Dự án: Nghiên cứu, lựa chọn giống lúa có năng suất và chất lượng bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh, phục vụ xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa của tỉnh Bắc Giang

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Dự án: Nghiên cứu, lựa chọn giống lúa có năng suất và chất lượng bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh, phục vụ xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa của tỉnh Bắc Giang

 

Cơ quan chủ trì: Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Chủ nhiệm dự án: Th.s Nguyễn Mai Thơm

Thời gian thực hiện: Từ tháng 6/2013 đến tháng 5/2015

Kinh phí thực hiện: 3.148.074.000 đồng (Kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ là: 689.226.000 đồng; Kinh phí đối ứng của nhân dân là: 2.458.848.000 đồng).

 

I. Đặt vấn đề

 

Bắc Giang là tỉnh trung du, miền núi thuộc khu vực Đông Bắc Bắc Bộ của Việt Nam. Toàn tỉnh có hơn 3000 km2 diện tích đất tự nhiên, trong đó có 23% diện tích đất chưa sử dụng.

Cây lúa là một trong năm cây trồng chính được tỉnh quy hoạch để phát triển theo hướng hàng hóa. Diện tích gieo cấy lúa hàng năm khoảng 110.000 ha, trong đó vụ Xuân khoảng 50.000 ha, vụ Mùa khoảng 60.000 ha. Năng suất trung bình đạt 52 - 55 tạ/ha. Trong những năm gần đây việc sử dụng các giống lúa chất lượng theo hướng sản xuất hàng hóa đang phát triển mạnh tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh như huyện Yên Dũng, Việt Yên, Tân Yên, Hiệp Hòa. Tuy nhiên bộ giống lúa thơm, lúa đặc sản để đáp ứng nhu cầu trên còn hạn chế về số lượng và chủng loại. Hơn thế sự suy thoái và nhiễm sâu bệnh của những giống lúa truyền thống chiếm diện tích lớn như Khang dân 18, Bao Thai, Hương Thơm số 1,... là những nhân tố ảnh hưởng lớn đến sản xuất lúa hàng hóa của tỉnh Bắc Giang.

Hiện nay, với bộ giống lúa chất lượng hiện có trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được mục tiêu phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian trước mắt và lâu dài. Với những lý do nêu trên việc thực hiện dự án “Nghiên cứu, lựa chọn giống lúa có năng suất và chất lượng bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh, phục vụ xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa của tỉnh Bắc Giang” là rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất.

II. Mục tiêu

- Lựa chọn được một số giống lúa thuần có năng suất, chất lượng, có khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện thời tiết bất lợi bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh.

- Hoàn thiện quy trình cho 3 giống được lựa cho phổ biến cho sản xuất

- Tổ chức 08 hội nghị tập huấn cho cán bộ và người dân tham gia mô hình.

- Tổ chức 04 hội nghị đầu bờ nhân rộng mô hình

III. Kết quả triển khai

1. Lựa chọn 05 giống lúa mới

a, Điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất lúa, lựa chọn điểm thử nghiệm và xây dựng mô hình trình diễn tại huyện Việt Yên và Yên Dũng.

b, Lựa chọn được 5 giống lúa mới được được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận chính thức, có năng suất trên 60 tạ/ha, chất lượng gạo thươm ngon, thời gian sinh trưởng phù hợp với vụ Xuân, vụ Mùa, có khả năng chống chịu sâu, bệnh và điều kiện thời tiết bất thuận lá giống lúa RVT, QR1, VS1, ĐS1, HDT8.

2. Xây dựng mô hình trình diễn tại hai huyện Việt Yên và Yên Dũng

Vụ Mùa 2013 và vụ Xuân 2014 dự án đã xây dựng được 9 mô hình trình diễn trên huyện Việt Yên và huyện Yên Dũng. Với tổng diện tích 20 ha (quy mô 1 ha/1 giống/1vụ). Nhằm đánh giá khả năng thích nghi của các giống lúa thử nghiệm. Từ đó lựa chọn được 3 giống lúa triển vọng là giống lúa RVT, QR1 và VS1 đáp ứng yêu cầu của dự án.

+ Mô hình giống lúa RVT tại huyện Việt Yên có năng suất thực thu trung bình trong vụ Mùa là 61,23 tạ/ha, vụ Xuân là 63,59 tạ/ha. Tại huyện Yên Dũng năng suất thực thu trung bình đạt 60,41 trong vụ Mùa, trong vụ Xuân  62,88 tạ/ha. Tổng sản lượng mô hình lúa RVT đạt 248,1 tạ.

+ Mô hình giống lúa QR1 tại huyện Việt Yên có năng suất thực thu trung bình trong vụ Mùa là 60,46 tạ/ha, vụ Xuân là 62,88 tạ/ha. Tại huyện Yên Dũng năng suất thực thu trung bình đạt 59,6 tạ/ha trong vụ Mùa, trong vụ Xuân đạt 62,88 tạ/ha. Tổng sản lượng mô hình giống lúa QR1 đạt 245,82 tạ.

+ Mô hình giống lúa ĐS1 tại huyện Việt Yên có năng suất thực thu trung bình trong vụ Mùa là 60,65 tạ/ha, vụ Xuân là 63,53 tạ/ha. Tại huyện Yên Dũng năng suất thực thu trung bình đạt 62,66 đến 64,22 tạ/ha. Tổng sản lượng mô hình giống lúa ĐS1 đạt 251,06 tạ.

+ Mô hình giống lúa VS1 tại huyện Việt Yên có năng suất thực thu trung bình trong  vụ Mùa là 60,16 tạ/ha, vụ Xuân là 65,65 tạ/ha. Tại huyện Yên Dũng năng suất thực thu trung bình đạt 60,08 tạ/ha trong vụ Mùa, trong vụ Xuân đạt 64,41 tạ/ha. Tổng sản lượng mô hình giống lúa VS1 đạt 250,3 tạ.

+ Mô hình giống lúa HDT8 tại huyện Việt Yên có năng suất thực thu trung bình trong vụ Mùa là 61,18 tạ/ha, vụ Xuân là 62,83 tạ/ha. Tại huyện Yên Dũng năng suất thực thu trung bình đạt là 58,9 tạ/ha trong vụ Mùa, vụ Xuân đạt 59,62 tạ/ha. Tổng sản lượng mô hình giống lúa HDT8 đạt 242,53 tạ.

 Mô hình sản xuất lúa chất lượng với 3 giống triển vọng được lựa chọn là giống lúa RVT, QR1, VS1 trong vụ Mùa năm 2014, vụ Xuân 2015 với tổng diện tích 120 ha.

+ Mô hình giống lúa RVT tại huyện Việt Yên có năng suất thực thu trung bình trong vụ Mùa là 60,81tạ/ha, vụ Xuân là 62,42 tạ/ha. Mô hình giống lúa RVT tại huyện Yên Dũng năng suất thực thu trung bình đạt 61,06 tạ/ha trong vụ Mùa, trong vụ Xuân đạt 62,95 tạ/ha. Tổng sản lượng mô hình lúa RVT đạt 247,2 tấn/40 ha.

+ Mô hình giống lúa QR1 tại huyện Việt Yên có năng suất thực thu trung bình trong vụ Mùa là 60,39 tạ/ha, vụ Xuân là 62,65 tạ/ha. Tổng sản lượng mô hình đạt 122,20 tấn. Mô hình giống lúa QR1 tại huyện Yên Dũng năng suất thực thu trung bình đạt 60,98 tạ/ha trong vụ Mùa, trong vụ Xuân đạt 63,04 tạ/ha. Tổng sản lượng mô hình QR1 đạt 247,06 tấn/40 ha.

+ Mô hình giống lúa VS1 tại huyện Việt Yên có năng suất thực thu trung bình trong vụ Mùa là 61,69 tạ/ha, vụ Xuân là 63,78 tạ/ha. Mô hình giống lúa QR1 tại huyện Yên Dũng năng suất thực thu trung bình đạt 61,3tạ/ha trong vụ Mùa, trong vụ Xuân đạt 63,86 tạ/ha. Tổng sản lượng mô hình lúa VS1 đạt 250,63 tấn/40 ha.

3. Hiệu quả kinh tế

Dự án : “ Nghiên cứu, lựa chọn giống lúa có năng suất và chất lượng bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh, phục vụ xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa của tỉnh Bắc Giang” được thực hiện từ tháng 6 năm 2013 đến tháng 5 năm 2015. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 3.148.0074.000 đồng, trong đó nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp khoa học tỉnh là 689.848.000 đồng, đối ứng của người dân là 2.458.848.000 đồng ( giống, phân bón, thuốc BVTV và công lao động). Thu nhập thuần của dự án đạt 4.377.000 đồng trên diện tích 140 ha trong 2 năm thực hiện dự án. Lãi so với đầu tư đạt 1.851.000.000 đồng/140 ha/2 năm.

4. Hoàn thiện quy trình kĩ thuật

Đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác của 3 giống lúa RVT, QR1, VS1 phù hợp với địa bàn huyện Việt Yên, Yên Dũng.

5. Tổ chức tập huấn kĩ thuật và hội nghị đầu bờ

a) Tổ chức tập huấn kĩ thuật

Dự án đã tổ chức được 8 lớp tập huấn trên địa bàn huyện Việt Yên và Yên Dũng. Dự án đã tập huấn kỹ thuật thâm canh lúa chất lượng cho 400 lượt người tham gia.

Các hộ tham gia tập huấn đều đánh giá cao nội dung tập huấn kĩ thuật  và những ý nghĩa thực tiễn vô cùng bổ ích. Các giống lúa được lựa chọn có chất lượng cao, dễ tiêu thụ và hợp với thị hiếu người tiêu dùng hiện nay.

b) Tổ chức hội nghị đầu bờ

- Dự án đã tổ chức 4 hội nghị đầu bờ trong suốt quá trình thực hiện dự án với mục đích đánh giá hiệu quả của dự án thông qua đánh giá năng suất của các mô hình giống lúa thử nghiệm, đánh giá khả năng phù hợp của giống với điều kiện tự nhiên và nhu cầu của từng huyện.

- Tuyên truyền kết quả dự án làm tiền đề mở rộng các mô hình sản xuất các giống lúa chất lượng.

IV. Kết luận và đề nghị

1.      Kết luận

- Dự án triển khai các nội dung theo đúng tiến độ thuyết minh phê duyệt: đã lựa chọn và thử nghiệm thành công 5 giống lúa chất lượng RVT, QR1, VS1, ĐS1, HDT8với diện tích 1 ha/1 giống/1 vụ trong vụ Mùa 2013, vụ Xuân 2014 với tổng diện tích 20 ha và tập huấn kĩ thuật cho 200 lượt hộ nông dân.

- Lựa chọn được 3 giống lúa năng suất, chất lượng RVT, QR1, VS1 đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương. Tập huấn kĩ thuật kĩ thuật thâm canh lúa chất lượng cho 200 lượt hộ nông dân trong vùng triển khai dự án.

- Xây dựng thành công mô hình lúa chất lượng với quy mô 120 ha/2 huyện/2 vụ đạt năng suất trung bình >60 tạ/ha, chất lượng ngon.

- Hoàn thiện quy trình canh tác cho 3 giống lúa RVT, QR1, VS1 trên địa bàn huyện Việt Yên và Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

- Tổ chức 4 hội nghị đầu bờ đánh giá kết quả và khả năng mở rộng mô hình của dự án.

2.      Đề nghị

 - Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, huyện, thành phố bổ sung 3 giống lúa RVT, QR1, VS1 vào cơ cấu giống lúa của tỉnh.

- Mở rộng mô hình 3 giống lúa đã được lựa chọn là RVT, QR1, VS1 trên địa bàn huyện Việt Yên, huyện Yên Dũng nói riêng và trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói chung để xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa.

- Tiếp tục khảo nghiệm và bổ sung thêm giống lúa chất lượng để làm phong phú các sản phẩm lúa gạo hàng hóa./.

V. Dự án được nghiệm thu đạt loại: Khá

Nguyễn Thị Tươi

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 10,884
Tổng số trong ngày: 17,527
Tổng số trong tuần: 88,263
Tổng số trong tháng: 33,418
Tổng số trong năm: 713,695
Tổng số truy cập: 12,654,536