Ứng dụng công nghệ Hàn Quốc để sản xuất giống khoai tây sạch bệnh và phát triển chuỗi giá trị khoai tây bền vững tại Việt Nam

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Ngày 12/7/2023, Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam; UBND xã Quế Nham tổ chức Hội nghị tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây giống thuộc dự án: "Ứng dụng công nghệ Hàn Quốc để sản xuất giống khoai tây sạch bệnh và phát triển chuỗi giá trị khoai tây bền vững tại Việt Nam".

Quang cảnh chương trình tập huấn

Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Viện Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam; Ông Lee Eun Sang - Giám đốc DICA tại Việt Nam, đơn vị thực hiện dự án; ông Triệu Sơn Giang - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ; đại diện Lãnh đạo UBND xã Quế Nham; Thường trực Đảng ủy; Lãnh đạo Hội Nông dân xã Quế Nham, cùng hơn 50 Hội viên Hội Nông dân xã.

Ông Triệu Sơn Giang- Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ phát biểu khai mạc hội nghị

Dự án “Ứng dụng Công nghệ Hàn Quốc để sản xuất giống khoai tây sạch bệnh và phát triển chuỗi giá trị khoai tây bền vững tại Việt Nam” do phía Hàn Quốc (Tập đoàn phát triển Nông thôn Hàn Quốc (KRC)) tài trợ cho Việt Nam (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam). Cơ quan chủ thực hiện dự án là Viện Nghiên cứu hợp tác quốc tế về Nông Nghiệp Dankook.

Dự án với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu USD, thực hiện trong 60 tháng (từ ngày 8/10/2020 đến 7/10/2025) tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và tỉnh Bắc Giang với mục tiêu chuyển giao công nghệ Hàn Quốc nhằm sản xuất và phân phối khoai tây giống, đồng thời cải thiện hệ thống sản xuất khoai tây còn nghèo nàn tại Việt Nam.

Ông Lee Eun Sang - Giám đốc DICA tại Việt Nam giới thiệu tổng quan về dự án

Với mong muốn đưa Bắc Giang trở thành khu vực sản xuất và phân phối khoai tây giống, dự án đã xây dựng hệ thống kho lạnh quy mô bảo quản 500 tấn tại Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ Bắc Giang. Đồng thời, tài trợ nhiều loại máy móc nông nghiệp như máy cày, máy kéo, và thực hiện kế hoạch sản xuất 500 tấn củ giống G3 xác nhận sạch bệnh cho đến năm 2025 tại Bắc Giang. Trong đó, HTX Nông nghiệp Minh Đức trồng giống ăn tươi và HTX Nông nghiệp Sông cầu trồng giống chế biến.

Ngoài ra, để phát triển nền nông nghiệp Việt Nam nói chung, DICA cũng đã và đang đào tạo các chuyên gia của Việt Nam thông qua các các chương trình tập huấn tại Hàn Quốc. Hai đợt tập huấn đã được thực hiện trong năm 2022, dự kiến đợt 3 sẽ được tổ chức trong tháng 8/2023. Đồng thời, DICA cũng tổ chức chương trình nâng cao năng lực thông qua hội thảo, workshop cho khoảng 1.000 lượt người tại Việt Nam.

TS. Trịnh Văn Mỵ, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có củ, Viện Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ tại buổi tập huấn

Tiếp nối chương trình tập huấn, đại biểu tham dự đã được nghe TS. Trịnh Văn Mỵ, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có củ, Viện Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam giới thiệu tổng quan tình hình sản xuất khoai tây trên thế giới và Việt Nam; những nội dung quan trọng liên quan đến kỹ thuật sản xuất giống khoai tây; kỹ thuật canh tác sản xuất khoai tây (phòng trừ, kiểm soát sâu bệnh và virus; kỹ thuật quản lý canh tác; bảo quản sau thu hoạch; kỹ thuật sản xuất củ giống mini-tuber bằng nuôi cấy mô và trồng khí canh…).

Đại biểu dự hội nghị cũng được nghe Ông Triệu Sơn Giang, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ chia sẻ về tình hình phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Giang 6 tháng đầu năm 2023 và những nhiệm vụ đặt ra trong 6 tháng cuối năm.

Hội nghị tập huấn đã góp phần hưởng ứng chương trình OCOP “Mỗi xã một sản phẩm” do tỉnh xúc tiến với mong muốn phát triển các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của địa phương. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội giúp bà con nông dân thu được những kỹ thuật canh tác quan trọng góp phần nâng cao năng suất cây trồng./.

HT

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 8,633
Tổng số trong ngày: 15,771
Tổng số trong tuần: 39,092
Tổng số trong tháng: 107,326
Tổng số trong năm: 623,528
Tổng số truy cập: 12,564,369