Tuyên truyền, giới thiệu và khai thác, sử dụng Bộ pháp điển Việt Nam

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị), Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị), công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, thực tế áp dụng pháp luật cho thấy vẫn còn tình trạng các quy định tản mát, phân tán trong nhiều văn bản. Người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các quy định.

Với một hệ thống văn bản QPPL như hiện nay, khó có thể tránh khỏi nội dung các văn bản QPPL có mâu thuẫn, chồng chéo. Mặt khác, trong điều kiện các quan hệ kinh tế - xã hội ở nước ta đang tiếp tục thay đổi, phát triển mạnh mẽ, hệ thống pháp luật theo đó cũng không ngừng có sự thay đổi cả về số lượng và chất lượng. Trong điều kiện đó, việc xây dựng Bộ pháp điển ở Việt Nam là hết sức cần thiết, góp phần tạo bước chuyển biến mới về chất của hệ thống pháp luật, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Ngày 16/4/2012, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL, tạo cơ sở pháp lý nền tảng cho công tác pháp điển. Ngày 02/02/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 143/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "njanag cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển". Việc pháp điển được thực hiện đối với các QPPL trong văn bản QPPL của cơ quan nhà nước ở Trung ương.

Khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL quy định: “Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật là việc cơ quan nhà nước rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành, trừ Hiến pháp, để xây dựng Bộ pháp điển”.

Theo đó, văn bản QPPL do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành được sử dụng để pháp điển gồm các văn bản sau:

- Bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội; Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước;

- Các văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành trước ngày Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung ngày 15/7/2020 có hiệu lực.

Khai thác, sử dụng Bộ pháp điển sẽ từng bước thay đổi thói quen từ khai thác, sử dụng văn bản QPPL riêng lẻ sang khai thác, sử dụng Bộ pháp điển trong áp dụng và thực hiện pháp luật đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Bộ pháp điển hiện nay được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử pháp điển, địa chỉ: https://phapdien.moj.gov.vn

                                                               Hồng Minh- Thanh tra Sở KH&CN (t/h)

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 18,315
Tổng số trong ngày: 1,667
Tổng số trong tuần: 56,511
Tổng số trong tháng: 1,666
Tổng số trong năm: 681,943
Tổng số truy cập: 12,622,784