Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực thi hành từ 01/7/2023

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Luật Thanh tra năm 2022 được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2022 có hiệu lực từ ngày 01/7/2023. Luật Thanh tra năm 2022 có nhiều điểm mới, khắc phục được những vướng mắc của Luật Thanh tra năm 2010, cụ thể có một số điểm mới như sau:

Luật Thanh tra 2022 có tất cả 8 Chương và 118 Điều luật: Chương I: Những quy định chung. Chương II: Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra. Chương III: Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành. Chương IV: Hoạt động thanh tra. Chương V: Thực hiện kết luận thanh tra. Chương VI: Phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, kiểm tra. Chương VII: Điều kiện bảo đảm hoạt động thanh tra. Chương VIII: Điều khoản thi hành.

Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành

Đây được xem là điểm mới đáng chú ý trong Luật Thanh tra 2022. Luật Thanh tra năm 2010 không quy định Thanh tra Tổng cục, Cục mà chỉ quy định Thanh tra chuyên ngành. Luật năm 2022, đã đưa quy định Thanh tra Tổng Cục, cục từ Nghị định do Chính phủ ban hành vào trong Luật do Quốc hội ban hành nhằm thể hiện vị trí, vai trò của cơ quan Thanh tra. Việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục không được làm tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của Tổng cục, Cục thuộc Bộ.

UBND tỉnh có quyền thành lập Thanh tra sở

UBND cấp tỉnh đã được giao quyền chủ động thành lập thanh tra sở (trước kia thực hiện theo sự ủy quyền) nhưng việc thành lập phải căn cứ theo luật định, cụ thể tại khoản 2 Điều 26 Luật Thanh tra 2022. Thanh tra sở được thành lập trong 03 trường hợp sau đây: Theo quy định của luật; tại Sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ; tại Sở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao. Như vậy, không phải tất cả các Sở đều thành lập cơ quan Thanh tra. Tại những Sở không thành lập cơ quan Thanh tra, Giám đốc Sở giao đơn vị thuộc Sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thanh tra tỉnh được giao thực hiện nhiệm vụ Thanh tra chuyên ngành với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của các Sở không thành lập cơ quan Thanh tra.

Còn đối với quy định hiện hành, thì thanh tra sở được thành lập ở những sở thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc theo quy định của pháp luật.

Quy định rõ thời gian ban hành kết luận thanh tra tại Luật Thanh tra 2022

Đây là điểm mới để khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, góp phần khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra.

Theo khoản 1 Điều 78 Luật Thanh tra 2022, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình.

Luật hóa các tiêu chuẩn bổ nhiệm các ngạch thanh tra viên; bỏ quy định cộng tác viên thanh tra

Đối với Luật Thanh tra 2022, tiêu chuẩn chung của các ngạch thanh tra viên là tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên (Điều 39). Các ngạch còn lại (thanh tra viên chính và thanh tra viên cao cấp) còn phải đảm bảo các tiêu chuẩn riêng như: thời gian giữ ngạch, chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ… (Điều 40 và Điều 41).

Hoạt động thanh tra

Luật quy định các bước tiến hành cuộc thanh tra gồm: chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra trực tiếp và kết thúc thanh tra trực tiếp với nội dung công việc khá cụ thể và đầy đủ.

Về việc ban hành Kết luận thanh tra

Luật Thanh tra năm 2022 đã có những quy định cụ thể chặt chẽ hơn về việc báo cáo trước khi ban hành kết luận thanh tra, cụ thể Luật quy định rõ thời gian ban hành kết luận thanh tra: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm việc ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn theo quy định (khoản 1 Điều 78).

Đối với dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh hoặc có yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung được báo cáo; trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước không trả lời hoặc không có ý kiến khác với dự thảo kết luận thanh tra thì người ra quyết định thanh tra ban hành ngay kết luận thanh tra.

Trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cung cấp có ý kiến bằng văn bản yêu cầu bổ sung, làm rõ về nội dung dự thảo kết luận thanh tra thì chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đó, người ra quyết định thanh tra phải hoàn thiện, ban hành kết luận thanh tra.

Luật Thanh tra năm 2022, cũng quy định một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra để phục vụ kịp thời công tác quản lý nhà nước. Đây là quy định mà thực tiễn đã chứng minh là cần thiết; đồng thời làm cho hoạt động thanh tra linh hoạt, gắn bó với hoạt động quản lý, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm phát hiện qua công tác thanh tra.

Sửa đổi nội dung giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra.

Việc giám sát hoạt động động của Đoàn thanh tra đã được quy định tại Điều 98 Luật Thanh tra 2022 đã giảm đi 01 nội dung giám sát (quy định hiện hành là 04 nội dung), cụ thể:

- Việc chấp hành các quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền và trình tự, thủ tục thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động thanh tra của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra.

- Việc chấp hành chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra; việc thực hiện quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra; việc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo.

- Việc chấp hành quy định của pháp luật về các hành vi bị nghiêm cấm của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra; việc tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong hoạt động của Đoàn thanh tra.

Không còn chế định thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra

Tại Luật Thanh tra 2010, chế định thanh tra nhân dân được quy định tại một chương cụ thể (Chương VI) với 10 Điều luật liên quan. Hoạt động thanh tra nhà nước mang tính quyền lực nhà nước, về bản chất khác với hoạt động của Ban thanh tra nhân dân là một trong những thiết chế để thực hiện quyền giám sát của Nhân dân ở cơ sở. Vì vậy, chế định thanh tra nhân dân đã được tách ra khỏi Luật Thanh tra năm 2022 và đã được điều chỉnh tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội thông qua cùng với Luật Thanh tra năm 2022./.

                         (Hồng Minh, t/h từ nguồn: tài liệu Hội nghị Thanh tra, tháng 6/2023)

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 12,104
Tổng số trong ngày: 20,896
Tổng số trong tuần: 54,786
Tổng số trong tháng: 164,016
Tổng số trong năm: 680,218
Tổng số truy cập: 12,621,060