Kiểm soát tài sản, thu nhập

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Kiểm soát tài sản, thu nhập theo tiếp cận của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là nội dung quan trọng về phòng, chống tham nhũng hiện nay.

1. Tiếp cận về kiểm soát tài sản, thu nhập

Kiểm soát tài sản, thu nhập theo tiếp cận của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã hoàn thiện hơn, thể hiện chính sách phòng, chống tham nhũng mới. Một nội dung quan trọng trong kiểm soát tài sản, thu nhập được đưa ra trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đó chính là việc xác minh, làm rõ tính trung thực, đầy đủ của việc kê khai, của việc giải trình về tài sản, thu nhập tăng thêm.

Đây là những nội hàm cơ bản trong tiếp cận về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn theo tinh thần pháp luật về phòng, chống tham nhũng hiện nay. Trên cơ sở tiếp cận này, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 đã đưa ra những khái niệm có liên quan, bao gồm:

- Kiểm soát tài sản, thu nhập là hoạt động mà cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thực hiện theo quy định của pháp luật để biết rõ tài sản, thu nhập, biến động về tài sản, thu nhập, nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm của người kê khai nhằm phòng ngừa tham nhũng, phục vụ công tác quản lý cán bộ, kịp thời phát hiện tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản.

- Kê khai tài sản, thu nhập là việc ghi thông tin về các loại tài sản, thu nhập, biến động tài sản, thu nhập phải kê khai, nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập.

- Công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập là việc công bố đầy đủ thông tin trong bản kê khai tài sản, thu nhập (sau đây gọi tắt là Bản kê khai) bằng các hình thức theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập.

- Giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm là việc người kê khai giải thích và làm rõ về nguồn gốc hình thành tài sản, thu nhập tăng thêm.

2. Nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập

Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, tại Điều 33 quy định về nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập. Đây là những nguyên tắc cơ bản, quan trọng thể hiện phạm vi, nội dung phải kê khai của người có nghĩa vụ kê khai. Theo đó, người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai tài sản, thu nhập và biến động về tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên.

Việc kê khai phải trung thực về tài sản, thu nhậpgiải trình trung thực về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm theo trình tự, thủ tục quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai tài sản, thu nhập.

3. Người có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập

Điều 34 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định chung về người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập. Tuỳ theo từng phương thức kê khai mà có sự thay đổi khác nhau, có trường hợp phải kê khai lần đầu, có trường hợp thực hiện kê khai hằng năm và có trường hợp thực hiện nghĩa vụ kê khai khi làm các thủ tục về công tác cán bộ. Người có nghĩa vụ kê khai được Luật Phòng, chống tham nhũng quy định bao gồm:

- Cán bộ, công chức;

- Sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp;

- Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử đại diện phần vốn góp của nhà nước tại doanh nghiệp;

- Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

4. Tài sản thu nhập phải kê khai

Điều 35 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định tài sản, thu nhập phải kê khai. Các quy định này bên cạnh việc kế thừa Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 còn bổ sung tài sản, thu nhập phải kê khai như: công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, tài sản, tài khoản ở nước ngoài; công trình xây dựng; tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai. Các tài sản, thu nhập phải kê khai bao gồm:

- Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng;

- Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên;

- Tài sản, tài khoản ở nước ngoài;

- Tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai.

Việc kê khai đối với từng loại tài sản được quy định và hướng dẫn cụ thể trong Mẫu bản kê khai ban hành kèm theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP.

5. Phương thức và thời điểm kê khai tài sản, thu nhập

- Luật phòng, chống tham nhũng quy định phương thức và thời điểm kê khai tài sản, thu nhập gồm: 

- Kê khai lần đầu:được thực hiện đối với các trường hợp gồm cán bộ, công chức, sỹ quan Công an nhân, sỹ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, người giữa chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập,doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhànước tại doanh nghiệp ở thời điểm 01/7/2019 và những người lần đầu giữ các vị trí nêu trên.

Kê khai lần đầu phải hoàn thành trước 31/12/2019. Tuy nhiên do văn bản hướng dẫn về mẫu bản kê khai chậm được ban hành, nên kê khai lần đầu được  hoàn thành trước 31/3/2021. Luật xác định việc kê khai lần đầu có ý nghĩa quan trọng, thể hiện chính sách về phòng, chống tham nhũng nói chung và về kiểm soát tài sản, thu nhập nói riêng. Nghị định 130/2020/NĐ-CP quy định “việc thực hiện các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập và xử lý hành vi kê khai, giải trình không trung thực phải căn cứ vào bên kê khai, việc giải trình và Kết luận xác minh thực hiện theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định này”.

  • Kê khai bổ sung: được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 của năm có biến động về thu nhập. Những người thuộc diện kê khai hằng năm nếu có biến động về tài sản, thu nhập thì không thực hiện kê khai bổ sung riêng, mà thực hiện kê khai vào bản kê khai hàng năm.
  • Kê khai hằng năm: được thực hiện đối với những người giữ chức vụ từ Giám đốc Sở và tương đương trở lên; những người làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác theo quy định của Chính phủ.

Nghị định 130/2020/NĐ-CP quy định cụ thể “những người làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác” gồm:13 ngạch công chức và chức danh phải kê khai; người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong 105 lĩnh vực (Phụ lục III của Nghị định); và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.Việc kê khai này phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 hằng năm.

Việc xác định tương đương “giám đốc sở” không được chỉ ra cụ thể trong Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP. Có những cách tiếp cận khác nhau về việc xác định tương đương, có thể là dùng phụ cấp chức vụ (0,9) để xác định, cũng có thể xác định theo tính chất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực thuộc UBND, HĐND cấp tỉnh. Tại Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định tại Điều 1 của Nghị định số 130/2020/NĐ-CP thì xác định theo phụ cấp chức vụ là 0,9.

      - Kê khai phục vụ công tác cán bộ: được thực hiện đối với những người có nghĩa vụ kê khai khi dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác. Việc kê khải phải hoàn thành chậm nhất là 10 ngày trước ngày dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác.

Việc kê khai đối với người được dự kiến bầu vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp được thực hiện theo hướng dẫn và mẫu bản kê khai do Hội đồng bầu cử quốc gia ban hành trên cơ sở các quy định pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Việc kê khai phục vụ công tác cán bộ nhằm xác định tài sản, thu nhập của người được dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác. Việc này vừa có ý nghĩa xác lập “mốc” tài sản của người đó, vừa có ý nghĩa xem xét, đánh giá lại việc chấp hành quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người được dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác trước khi được bổ nhiệm.

Để bảo đảm thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát tài sản, thu nhập, ngoài việc quy định thẩm quyền của các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của các cơ quan trong cung cấp thông tin, phối hợp cũng như thực hiện các biện pháp theo chức năng để kiểm soát tài sản, thu nhập.

                                                             Hồng Minh-Thanh tra Sở (t/h)

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 15,226
Tổng số trong ngày: 20,285
Tổng số trong tuần: 54,175
Tổng số trong tháng: 163,405
Tổng số trong năm: 679,607
Tổng số truy cập: 12,620,448