Cần tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư, cơ chế tài chính cho các tổ chức KH&CN

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Cùng với giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ đã trở thành động lực quan trọng để phát triển đất nước.

Cùng với giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ đã trở thành động lực quan trọng để phát triển đất nước.

Cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào cuộc sống

Bởi vậy, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã nhất trí thông qua Nghị quyết “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Nghị quyết có ý nghĩa và vai trò quan trọng nhằm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.


Việt Nam đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) và chỉ còn 8 năm để hoàn thành mục tiêu đưa đất nước cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 như Đại hội Đảng XI đã đề ra. Trong giai đoạn nước rút này, Nghị quyết Trung ương 6 về khoa học và công nghệ (KH&CN) với những quan điểm, tư duy mới, dành ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực để phát triển KH&CN làm động lực quan trọng nhất trong phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế.


Theo đó, Nghị quyết sẽ là cơ sở để ngành KH&CN tiếp tục phát huy những thành tựu, kinh nghiệm đã đạt được, khắc phục những hạn chế yếu kém, tập trung thực hiện tốt những mục tiêu nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ mà Đại hội XI của Đảng đã đề ra.


Năm 2012, khẳng định thành tựu trên nhiều lĩnh vực


KH&CN đã và đang được coi là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển nền kinh tế, xã hội. Thời gian qua, Việt Nam đã có hàng loạt các kết quả trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) trong cuộc sống. Những đóng góp của KH&CN vào sự phát triển kinh tế - xã hội và nhiều lĩnh vực khác đang ngày càng rõ nét.


Trước hết phải kể đến lĩnh vực công nghiệp và cơ khí chế tạo. KH&CN đã làm chủ được thiết kế và công nghệ chế tạo các thiết bị siêu trường, siêu trọng phục vụ thi công xây dựng nhà máy thủy điện công suất lớn, đặc biệt là công trình thủy điện Sơn La; thiết kế và chế tạo đồng bộ thiết bị của các nhà máy xi măng công suất lớn; thiết bị cẩu trục chân đế 180 tấn sử dụng cho các nhà máy đóng tàu, bến cảng, khai khoáng...


Về nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản, KH&CN đã đóng góp tới 30% giá trị gia tăng trong tăng trưởng nông nghiệp, giúp Việt Nam gia tăng giá trị sản lượng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu lên mức gần 20 tỷ USD/năm. Trong 5 năm gần đây, các nhà khoa học Việt Nam đã tạo được hơn 142 giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, trong đó, đã chọn tạo và tuyển chọn được gần 100 giống lúa mới, đưa năng suất lúa bình quân cả nước đạt trên 52,3 tạ/ha năm 2010, đứng đầu Đông Nam Á.


Hoạt động KH&CN cũng có đóng góp rất có hiệu quả trong phát triển các cây công nghiệp quan trọng, có giá trị xuất khẩu lớn như cao su, cà phê, điều, hồ tiêu, chè, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Trong nuôi trồng thuỷ sản, Việt Nam đã làm chủ được hầu hết công nghệ sản xuất giống các loài cá nước ngọt và một số loài hải sản giá trị cao (cá tra, cá ba sa, tôm sú), giúp thủy sản trở thành ngành xuất khẩu mũi nhọn; nhiều giống gia súc, gia cầm mới có năng suất cao đã được tạo ra.


Trong y dược, KH&CN đã thành công ở lĩnh vực ghép tim thành công trên người, ghép gan, thận từ người cho chết não. Trong nghiên cứu tế bào gốc, đã làm chủ được quy trình phân lập, bảo quản tế bào gốc từ tủy xương, máu ngoại vi, vùng rìa giác mạc... Ngành dược đã nghiên cứu và sản xuất thành công 10 loại vắc xin (trong đó có vắc xin phòng bệnh tiêu chảy, viêm gan B và A, viêm não Nhật Bản, phòng bệnh tả) phục vụ tốt Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng; bước đầu tiếp cận với các công nghệ bào chế hiện đại (công nghệ đông khô, sấy phun sương, sản xuất thuốc tác dụng kéo dài), góp phần nâng cao chất lượng thuốc sản xuất trong nước.


Trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần đưa ngành công nghiệp công nghệ thông tin và hạ tầng viễn thông phát triển vượt bậc. Trong bảng xếp hạng viễn thông châu Á, thị trường viễn thông Việt Nam đã được xếp thứ 13 cả về quy mô và tốc độ phát triển trên 3 lĩnh vực: cố định, di động và Internet. Công nghiệp công nghệ thông tin có tốc độ phát triển trung bình 20-25%/năm, đạt tổng doanh thu khoảng 6-7 tỷ USD vào năm 2010. Hiện nay, đã có những giải pháp an toàn, an ninh mạng hiệu quả được cộng đồng quốc tế công nhận.


Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, phải khẳng định những thành tựu mà KH&CN đã đạt được trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm qua là rất lớn.


Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động KH&CN vẫn còn hạn chế, chưa thật sự trở thành quốc sách hàng đầu và động lực then chốt cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Bản thân đường lối chính sách của Đảng về KH&CN cũng chậm được đổi mới, chưa kịp thời chuyển đổi phù hợp với tình hình mới. Công tác thể chế hóa và tổ chức thực hiện đường lối chính sách của Đảng về KH&CN còn chậm. Nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn cuộc sống đặt ra trong quá trình phát triển đất nước nhưng KH&CN chưa lý giải được kịp thời, thuyết phục. Đóng góp của KH&CN trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế chưa nổi bật... Nhiều hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực KH&CN tồn tại kéo dài, chậm được khắc phục, nhất là trong xây dựng tiềm lực, gắn kết hoạt động KH&CN với phát triển kinh tế - xã hội, quản lý nhà nước, chính sách đối với cán bộ, đầu tư và cơ chế tài chính cho KH&CN.


Năm 2013, đẩy mạnh phát triển hơn nữa các hoạt động KH&CN


Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, Việt Nam có một nền KH&CN phát triển nằm trong nhóm các nước dẫn đầu ASEAN, một số lĩnh vực KH&CN đạt trình độ tiên tiến thế giới; tiềm lực KH&CN đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại chính là mục tiêu cụ thể đầu tiên chúng ta đặt ra. Bên cạnh đó, chúng ta cũng hướng tới những mục tiêu cụ thể khác như, đến năm 2020, hoạt động KH&CN thông qua yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 35% tăng trưởng kinh tế, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% trong tổng GDP, tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 20%/năm, giá trị giao dịch của thị trường KH&CN tăng trung bình 15 - 17%/năm. Số lượng các công bố quốc tế tăng trung bình 15 - 20%/năm, tăng nhanh số lượng các sáng chế được bảo hộ trong nước và ở nước ngoài, phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp KH&CN. Ước tính, tổng đầu tư xã hội cho KH&CN đạt 1,5% GDP vào năm 2015 và trên 2% GDP vào năm 2020.


“Để đạt được mục tiêu trên, phải có quan điểm luôn coi KH&CN là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất bảo đảm thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao vị thế quốc gia và giữ vững chủ quyền, độc lập dân tộc; quan tâm đầu tư ngày càng mạnh mẽ và có chủ đích, ưu tiên tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển KH&CN, phát huy vai trò dẫn đường, động lực then chốt của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nếu cố gắng nỗ lực, chúng ta nhất định sẽ thành công trong việc chinh phục những mục tiêu trên”, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định.


Đồng thời, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, Việt Nam cũng cần đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động KH&CN được xem là khâu đột phá, trong đó tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong phương thức đầu tư, cơ chế tài chính và chính sách đối với cán bộ, trao quyền tự chủ toàn diện cho các tổ chức KH&CN để giải phóng sức sáng tạo và tạo động lực cho KH&CN phát triển. Khâu đột phá này sẽ tạo đà phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN, trực tiếp phục vụ các mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết chặt chẽ với đổi mới giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tái cấu trúc nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.


Trước yêu cầu phải đạt mục tiêu trong năm 2020 đưa đất nước cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, trong những năm tới, đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về KH&CN cần được thường xuyên hoàn thiện, đổi mới tư duy, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước, bối cảnh quốc tế và xu thế phát triển của KH&CN trên thế giới. Đồng thời, phải được thể chế hóa kịp thời bằng pháp luật của Nhà nước và thực hiện triệt để trong toàn Đảng, hệ thống chính trị và xã hội. Cơ chế quản lý kinh tế của nước ta phải tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo động lực để các thành phần kinh tế đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh; các chính sách kinh tế, tài chính, tín dụng và thể chế thị trường phải thống nhất, đồng bộ theo hướng tạo môi trường thuận lợi nhất cho việc thực thi các chính sách phát triển KH&CN. Cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt. Bên cạnh đó, việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, tôn vinh cán bộ KH&CN cũng là giải pháp quan trọng để tạo môi trường thuận lợi, không khí dân chủ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ KH&CN mạnh, tâm huyết với đất nước và có trình độ chuyên môn giỏi.

 

Nguồn tin: .cpv.org.vn

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 19,917
Tổng số trong ngày: 1,297
Tổng số trong tuần: 56,141
Tổng số trong tháng: 1,296
Tổng số trong năm: 681,573
Tổng số truy cập: 12,622,414