Đề tài: Nghiên cứu xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng phục vụ thâm canh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất nông nghiệp tỉnh Bắc Giang

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

A. Tên đề tài: Nghiên cứu xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng phục vụ thâm canh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất nông nghiệp tỉnh Bắc Giang

B. Cơ quan chủ trì: Viện Thổ nhưỡng Nông hóa

C. Chủ nhiệm đề tài: Th.S Nguyễn Thành Long

D. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ TÀI

- Xây dựng bản đồ nông hóa đất sản xuất nông nghiệp ở tỷ lệ 1/25.000 cho các huyện/thành phố của tỉnh Bắc Giang và tổng hợp về toàn tỉnh ở tỷ lệ 1/50.000.

- Xây dựng bản đồ thổ nhưỡng ở tỷ lệ 1/25.000 cho các huyện/thành phố và tổng hợp về toàn tỉnh ở tỷ lệ 1/50.000.

- Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về tài nguyên đất nông nghiệp cho các huyện/thành phố ở tỷ lệ 1/25.000 và tổng hợp toàn tỉnh ở tỷ lệ 1/50.000.

- Xác định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý và các vùng sản xuất chuyên canh, phù hợp với từng loại đất theo các vùng sinh thái nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất của các huyện/ thành phố và toàn tỉnh Bắc Giang.

- Đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng đất nông nghiệp và các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh Bắc Giang theo quản điểm phát triển bền vững.

Đ. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI

1.1. Kết quả xây dựng bản đồ thổ nhưỡng tỉnh Bắc Giang tỷ lệ 1/50.000

- Đã điều tra, khảo sát 5.440 phẫu diện đất trên toàn bộ diện tích điều tra là 284.094,60 ha đất nông nghiệp; trong đó: 400 phẫu diện chính có lấy mẫu phân tích theo tầng phát sinh (1.600 mẫu); 5.040 phẫu diện chính không lấy mẫu phân tích. Đồng thời, đã lấy 1.200 mẫu đất tầng mặt để phân tích các chỉ tiêu nông hóa. Tổng cộng đã phân tích 32.800 chỉ tiêu lý, hóa học về tính chất đất của mẫu thổ nhưỡng và mẫu nông hóa.

- Đã xây dựng được Bản đồ thổ nhưỡng tỉnh Bắc Giang tỷ lệ 1/50.000 trên cơ sở kết quả nghiên cứu về hình thái 5.440 phẫu diện và các số liệu phân tích về lý, hóa học, đã chia đất tỉnh Bắc Giang thành 7 Nhóm đất chính, 20 loại đất và 54 loại đất phụ theo Hệ phân loại đất Việt Nam. Trong đó bao gồm: Nhóm đất phù sa - ký hiệu (PS) 23.033,02 ha; chiếm 8,11% DTĐT; Nhóm đất glây - ký hiệu (GL)2.139,29 ha, chiếm 0,75% DTĐT; Nhóm đất có tầng sét loang lổ - ký hiệu (LL) có 8.121,59 ha, chiếm 2,66% DTĐT; Nhóm đất xám - ký hiệu (XA)75.897,49 ha; chiếm 26,72% DTĐT; Nhóm đất vàng đỏ - ký hiệu (VĐ)159.971,04 ha; chiếm 56,31% DTĐT; Nhóm đất tầng mỏng - ký hiệu (TM) 11.915,36 ha, chiếm 4,19% DTĐT và Nhóm đất dốc tụ - ký hiệu (DT) 3.016,81 ha, chiếm 1,06% DTĐT.

- Nhìn chung, các loại đất của tỉnh đều có thành phần cơ giới biến đổi từ cát pha đến thịt pha sét, tuy nhiên tầng mặt các đất hầu hết đều có thành phần cơ giới nhẹ và có chiều hướng tích tụ sét ở các tầng dưới. Độ chua của các loại đất biến động mạnh, từ chua nhiều đến trung tính, tùy theo từng vùng chuyên canh, đặc biệt là Nhóm đất xám, Nhóm đất có tầng sét loang lổ. Hầu hết các loại đất đều có dung tích hấp thu (CEC) và độ no bazơ (BS) từ trung bình đến thấp. Đối với đặc tính nông học có sự khác biệt tương đối lớn giữa tầng đất mặt và các tầng dưới phẫu diện. Nhìn chung trong toàn phẫu diện (ngoại trừ tầng mặt), hàm lượng các chất dinh dưỡng của các loại đất thường chỉ đạt mức nghèo đến trung bình. Riêng tầng đất mặt có sự biến động mạnh, hàm lượng các chất dinh dưỡng biến động từ thấp đến cao tùy theo từng vùng chuyên canh, đặc biệt là hàm lượng lân và kali trong đất, tầng mặt có thể gấp tới hàng chục lần so với các tầng đất phía dưới. Nguyên nhân chính là quá trình sử dụng phân bón không hợp lý tại các vùng chuyên canh.

1.2. Kết quả xây dựng bản đồ nông hóa

- Đã tiến hành điều tra thu thập 6.800 mẫu nông hóa trên diên tích điều tra là 112.170,50 ha và đã phân tích tổng cộng là 40.800 chỉ tiêu, gồm: pHKCl, OC %, N %, P2O5 dễ tiêu, K2O dễ tiêu; CEC đất.

- Đã xây dựng được Bản đồ nông hóa tỉnh Bắc Giang tỷ lệ 1/25.000, trên cơ sở kết quả phân cấp, đánh giá về 6 chỉ tiêu về nông hóa với 3 mức phân cấp, gồm: Độ phì cao; Độ phì trung bình và Độ phì thấp. Kết quả đánh giá cho thấy, đất tầng mặt tỉnh Bắc Giang có độ phì chủ yếu từ trung bình đến thấp, cụ thể: Đất có độ phì cao là 717,68 ha chiếm 0,64% DTĐT; đất có độ phì trung bình đạt 44.757,81 ha chiếm 39,9% DTĐT và đất có độ phì thấp đạt 66.695,01 ha chiếm 59,46% DTĐT.

- Đã xác định được các yếu tố hạn chế ảnh hưởng đến năng suất cây trồng đối với 19 cây trồng hàng năm với 6 đặc tính nông hóa và đề xuất lượng phân bón trên các loại đất cho 10 cây trồng chính của tỉnh Bắc Giang.

1.3. Kết quả xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên đất đai tỉnh Bắc Giang

- Đã xây dựng được Bản đồ chất lượng đất đai tỉnh Bắc Giang tỷ lệ 1/50.000 trên 284.094,60 ha gồm 324 đơn vị thể hiện trên bản đồ, trên cơ sở chồng xếp 10 bản đồ về các đặc tính đất đai, gồm: Loại đất, độ phì, thành phần cơ giới, độ dày tầng đất, mức độ đá lẫn, mức độ glây, địa hình tương đối, độ dốc, chế độ tưới, chế độ tiêu bằng kỹ thuật GIS. Mỗi đơn vị bản đồ đất đai thể hiển đầy đủ đặc tính của 10 yếu tố đất đai đã lựa chọn.

- Trên cơ sở Bản đồ chất lượng đất đai tỉnh Bắc Giang tỷ lệ 1/50.000, đã tiến hành đánh giá mức độ thích hợp đất đai chi tiết cho 27 loại cây trồng gồm: Lúa, ngô, sắn, cải bắp, hành, tỏi, su hào, ớt, dưa chuột, dưa hấu, cà chua, bí xanh, khoai tây, khoai lang, khoai sọ, lạc, đậu tương, mía, thuốc lá, chè, hoa, dược liệu, táo, nhãn, vải, na, cam quýt và các loại cây lâm nghiệp. Từ đó xây dựng Bản đồ mức độ thích hợp đất đai tỉnh Bắc Giang tỷ lệ 1/50.000 và đã tổng hợp được 160 kiểu thích hợp đất đai mỗi kiểu thích hợp sẽ tương ứng với các mức độ thích hợp của các cây trồng khác nhau. Nhìn vào kết quả này cho ta biết mức độ thích hợp của mỗi loại cây trồng trên từng vùng đất của tỉnh.

1.4. Đề xuất hướng bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý

Dựa vào kết quả đánh giá mức độ thích hợp đất đai, kết quả đánh giá hiệu quả kinh tế sử dụng đất của các loại cây trồng chính và định hướng phát triển kinh tế - xã hội để đưa ra phương án sử dụng đất cho tỉnh Bắc Giang như sau:

- Cơ cấu 1 vụ lúa là 598,69 ha chiếm 0,21% diện tích điều tra.

- Cơ cấu 2 vụ lúa là 33.610,26 ha chiếm 11,83% diện tích điều tra.

- Cơ cấu 2 vụ lúa - 1 vụ mầu là 25.207,01 ha chiếm 8,86% diện tích điều tra.

- Cơ cấu 1 vụ lúa - 2 vụ mầu là 16.564,77 ha chiếm 5,82% diện tích điều tra.

- Cơ cấu chuyên mầu và CNNN là 26.466,21 ha chiếm 9,29% diện tích điều tra.

- Cơ cấu cây ăn quả là 44.165,47 ha chiếm 15,54% diện tích điều tra.

- Cơ cấu cây lâm nghiệp là 132.488,05 ha chiếm 46,64% diện tích điều tra.

- Cơ cấu các cây trồng khác là 4.994,14 ha chiếm 1,75% diện tích điều tra.

1.5. Kết quả xây dựng mô hình thực nghiệm

Đã tiến hành xây dựng 09 mô hình (gồm 2 lúa mầu, chuyên mầu và cây lâu năm), nhằm kiểm chứng các kết quả đề xuất phân bón. Các kết quả mô hình đều khẳng định rằng, với việc tác động mức đầu tư phân bón và dùng các loại phân đơn theo như công thức đề xuất đã cho năng suất cao hơn công thức của nông dân trên cả 3 loại loại hình sử dụng đất.

E. Thời gian thực hiện đề tài: Từ tháng 6/2013 – 6/2015

G. Kinh phí thực hiện đề tài: Tổng kinh phí: 4.316.870.000 đồng ( SNKH: 4.136.240.000 đồng; đối ứng : 180.630.000 đồng).

F: Kết quả nghiệm thu: Khá

Hoàng Thoa

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 8,503
Tổng số trong ngày: 1,659
Tổng số trong tuần: 90,528
Tổng số trong tháng: 35,683
Tổng số trong năm: 715,960
Tổng số truy cập: 12,656,801