Những điểm mới của pháp luật thanh tra và yêu cầu đặt ra đối với thanh tra ngành khoa học và công nghệ

|
查看数次:
dark-mode-label OFF
font-size: A- A A+
Đọc bài viết

Những điểm mới của Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định số 43/2023/NĐ-CP; cần phân định thanh tra với kiểm tra và tăng cường kiểm tra

Luật Thanh tra năm 2022, phân định hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra theo hướng kiểm tra là hoạt động thường xuyên và thanh tra có trọng tâm, trọng điểm. Luật Thanh tra năm 2022 bỏ quy định thanh tra thường xuyên được quy định tại Luật Thanh tra năm 2010 vì thực chất đây là hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý. Luật Thanh tra năm 2022 quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong tổ chức hoạt động kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện sơ hở, rủi ro và kịp thời có giải pháp ngăn ngừa, xử lý. Qua hoạt động kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước phát hiện có dấu hiệu vi phạm và thấy cần thiết thì tiến hành thanh tra để xử lý kịp thời hành vi vi phạm. Như vậy, hoạt động kiểm tra phải được tăng cường và thanh tra được thực hiện trên cơ sở xem xét tính cần thiết và được triển khai bài bản, có trọng tâm, trọng điểm. Với cách tiếp cận này nêu trên, Điều 6 của Luật Thanh tra năm 2022 quy định:

1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, kiểm tra để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.

2. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước phải thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý; việc chấp hành chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc ngành, lĩnh vực do mình phụ trách để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.

Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm thì áp dụng hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp theo quy định của pháp luật để xử lý kịp thời hành vi vi phạm; trường hợp cần thiết thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra; nếu có dấu hiệu tội phạm thì kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ vụ việc, tài liệu có liên quan đến cơ quan điều tra để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.

Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành

Cũng theo quy định của Luật Thanh tra 2022 (Điều 26), Thanh tra sở chỉ được thành lập trong 03 trường hợp: a) Theo quy định của luật; b) Tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ;c) Tại sở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao.

Theo quy định trên, một số Thanh tra sở được quy định tại Nghị định quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 Luật Thanh tra năm 2022. Hiện nay, cũng có ý kiến cho rằng chỉ những Thanh tra sở được quy định tại Nghị định quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành mới được duy trì, thành lập. Đây là cách hiểu không chính xác, bởi vì Thanh tra sở còn được thành lập theo quy định tại điểm a và điểm b Khoản 2 Điều 26 của Luật. Theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 26 của Luật  Thanh tra năm 2022, trong trường hợp văn bản luật có quy định về việc thành lập Thanh tra sở thì Thanh tra sở phải được thành lập. Đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN), theo quy định tại một số văn bản Luật (như Luật Đo lường; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật), Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ, phải được thành lập trong hệ thống các cơ quan thanh tra để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định.

Nhằm nâng cao tính tự chịu trách nhiệm, Luật Thanh tra quy định thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra và trình tự, thủ tục thanh tra

Theo quy định của Luật Thanh tra 2010, thủ trưởng cơ quan thanh tra và thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra (Điều 43 và Điều 51 Luật Thanh tra 2010). Nhằm nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra và phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn giữa thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước với thủ trưởng cơ quan thanh tra, Luật Thanh tra 2022 quy định chỉ thủ trưởng cơ quan thanh tra có thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra. Cụ thể, Khoản 1 Điều 59 Luật Thanh tra 2022 quy định: Thủ trưởng cơ quan thanh tra căn cứ quy định tại Điều 51 của Luật này ban hành quyết định thanh tra.

Đối với các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra thuộc về Thủ trưởng cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành. Khoản 2 Điều 37 của Luật Thanh tra 2022 quy định: Trong hoạt động thanh tra, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng cơ quan thanh tra.

Luật Thanh tra năm 2022 (Điều 60) và Nghị định 43/2023/NĐ-CP (Điều 28) quy định đưa ra tiêu chuẩn cao hơn, khắt khe hơn đối với Trưởng đoàn thanh tra. Theo đó, bên cạnh các yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, Trưởng đoàn thanh tra (và Phó Trưởng đoàn thanh tra) phải là người đã được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên. Cụ thể: (i) Trưởng đoàn thanh tra do Tổng Thanh tra Chính phủ, Chánh Thanh tra Bộ và Chánh thanh tra tỉnh thành lập phải từ Thanh tra viên chính trở lên; (ii) Trưởng đoàn thanh tra do Chánh thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, Chánh Thanh tra sở và Chánh thanh tra huyện thành lập phải từ Thanh tra viên trở lên. Như vậy, khác với quy định của Luật Thanh tra năm 2010, công chức chưa được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên tại các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành không được là Trưởng đoàn thanh tra; công chức là trưởng phòng, phó phòng hoặc đảm nhận vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn tại cơ quan thanh tra nhưng chưa được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên chính cũng không được là trưởng đoàn thanh tra.

Luật Thanh tra 2022 có quy định riêng về trình tự, thủ tục thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Theo đó, thủ tục tiến hành cuộc thanh tra chuyên ngành đơn giản, rút gọn hơn như: thẩm định dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành phải thực hiện khi cần thiết (Điều 77); đối với bước chuẩn bị thanh tra của cuộc thanh tra. Nhằm khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra, Luật Thanh tra 2022 quy định cụ thể về thẩm quyền, quy trình, thời hạn báo cáo kết quả thanh tra, xây dựng, ban hành, công khai kết luận thanh tra (từ Điều 73 đến Điều 79). Đồng thời, để xử lý tồn tại là các cơ quan thanh tra thường xin ý kiến của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dự thảo kết luận thanh tra trước khi ban hành kết luận thanh tra mặc dù đây không phải thủ tục bắt buộc theo quy định pháp luật, Luật Thanh tra năm 2022 quy định rõ ràng về việc báo cáo trước khi ban hành kết luận.

Luật Thanh tra 2022 còn cho phép một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra nhằm phục vụ kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước. Đối với cuộc thanh tra có nhiều nội dung, nội dung nào đã được kiểm tra, xác minh và đủ cơ sở thì kết luận ngay và tiếp tục tiến hành thanh tra các nội dung khác trong quyết định thanh tra (Khoản 3 Điều 78). Về công khai kết luận thanh tra, Nghị định 43/2023/NĐ-CP quy định về hình thức công khai kết luận thanh tra (Điều 49) khác với Luật Thanh tra năm 2010. Theo đó, kết luận thanh tra phải được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp; đồng thời, người ra kết luận thanh tra lựa chọn thêm ít nhất một trong ba hình thức khác (công bố tại cuộc họp, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở của đối tượng thanh tra).

Bên cạnh những điểm mới nêu trên, pháp luật thanh tra quy định chi tiết về giám định, phong tỏa tài khoản, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát trong hoạt động thanh tra (từ Điều 34 đến Điều 47 Nghị định 43/2023/NĐ-CP). Luật Thanh tra năm 2022 bỏ chế định thanh tra nhân dân được quy định tại Luật Thanh tra năm 2010. Thực chất thanh tra nhân dân là hoạt động giám sát của nhân dân ở cơ sở; hơn nữa, quy định về thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra năm 2010 đã gây ra nhầm lẫn giữa thanh tra nhân dân và thanh tra nhà nước. Đồng thời, Luật Thanh tra năm 2022 bổ sung quy định về thanh tra nội bộ (Điều 115) và được quy định chi tiết tại Nghị định 43/2023/NĐ-CP. Theo đó, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức việc thanh tra nội bộ để tăng cường quản lý, bảo đảm việc chấp hành chính sách, pháp luật, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn (Điều 66).

Sở KH&CN tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thi hành pháp luật trong hoạt động KH&CN

Theo đó, một số yêu cầu đặt ra đối với thanh tra ngành KH&CN

Thứ nhất, duy trì Thanh tra sở để đảm bảo phù hợp với quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển ngành thanh tra và lĩnh vực KH&CN; phù hợp với Luật Thanh tra năm 2022 và các quy định pháp luật liên quan; xuất phát từ yêu cầu quản lý nhà nước, yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Thứ hai, cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành cần được sắp xếp đảm bảo đáp ứng quy định về tổ chức bộ máy và các điều kiện cần thiết (như người đủ điều kiện là trưởng đoàn thanh tra; chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp thực hiện công tác giải quyết đơn thư, phòng chống tham nhũng tiêu cực…) để có thể thực hiện được chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định pháp luật.

Thứ ba, công chức, thanh tra viên cần chủ động và được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu công việc, trách nhiệm lớn hơn và những tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định pháp luật.

Với định hướng tăng cường hoạt động kiểm tra và thanh tra có trọng tâm, trọng điểm và những yêu cầu khắt khe hơn đối với hoạt động thanh tra như đã đề cập, quy định pháp luật thanh tra hiện hành đòi hỏi các cơ quan thanh tra KH&CN phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan thanh tra KH&CN trước những yêu cầu mới, bên cạnh chỉ đạo, định hướng của Bộ KH&CN và UBND các tỉnh, thành phố, đòi hỏi sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đồng thời, nhận thức đầy đủ và nỗ lực của chính các cơ quan thanh tra KH&CN là một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện mục tiêu này./.

Trương Thị Hồng Minh - Thanh tra Sở KH&CN

 

 

Statistical Access Statistical Access

User Online: 15,928
Total visited in day: 1,074
Total visited in Week: 5,517
Total visited in month: 9,657
Total visited in year: 907,640
Total visited: 12,848,481