Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hàng đóng gói sẵn trên địa bàn tỉnh

|
Views:
dark-mode-label OFF
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Hiện nay, hàng hóa đóng gói sẵn rất phổ biến và đang dần trở thành nhu cầu thiết yếu của đại đa số người dân; việc sử dụng và lựa chọn hàng đóng gói sẵn phù hợp với yêu cầu của cuộc sống.

Theo quy định của Luật Đo lường năm 2011, hàng đóng gói sẵn là hàng hóa được định lượng, đóng gói và ghi định lượng trên nhãn hàng hóa không có sự chứng kiến của người mua. Hàng đóng gói sẵn được định lượng theo đơn vị đo khối lượng, thể tích, diện tích, chiều dài hoặc số đếm, ở các dạng lỏng, rắn và dạng đông lạnh. Hàng đóng gói sẵn được quản lý trên cơ sở phân chia thành nhóm 1 và nhóm 2. Trong đó, hàng đóng gói sẵn nhóm 1 phải đáp ứng yêu cầu cơ bản quy định tại Điều 32 và Điều 33 Luật Đo lường, được mang dấu định lượng trên nhãn hàng hóa. Còn hàng đóng gói sẵn nhóm 2 là hàng hóa có số lượng lớn lưu thông trên thị trường hoặc có giá trị lớn, có khả năng gây tranh chấp, khiếu kiện về đo lường giữa các bên trong mua bán, thanh toán, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, môi trường và thuộc Danh mục hàng hóa nhóm 2 - phải được kiểm soát theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do cơ quan quản lý nhà nước về đo lường có thẩm quyền quy định. Hàng đóng gói sẵn nhóm 2 phải đáp ứng Điều 32, Điều 33 và Điều 34 Luật Đo lường, buộc phải mang dấu định lượng. Bộ Khoa học và Công nghệ chưa ban hành Danh mục hàng đóng gói sẵn nhóm 2 nên tất cả các hàng đóng gói sẵn trên thị trường Việt Nam được coi là hàng đóng gói sẵn nhóm 1.

Việc quản lý hàng đóng gói sẵn được thực hiện theo Thông tư số 21/2014/TT-BKHCN ngày 15/7/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn. Bao gồm: Yêu cầu về ghi lượng và Yêu cầu về hình dáng, kích thước (Điều 4, Thông tư 21/2014/TT-BKHCN); Yêu cầu về đo lường gồm Yêu cầu về giá trị trung bình Xtb và Yêu cầu về số đơn vị hàng đóng gói sẵn không phù hợp (Điều 5, Thông tư 21/2014/TT-BKHCN); Công bố dấu định lượng và chứng nhận đủ điều kiện để sử dụng dấu định lượng (chương IV, Thông tư số 21/2014/TT-BKHCN).

Việc đánh giá để chứng nhận đủ điều kiện sử dụng dấu định lượng được thực hiện theo Văn bản Kỹ thuật Đo lường Việt Nam ĐLVN 326:2015 “Điều kiện sử dụng dấu định lượng - Quy trình đánh giá”.

Những năm gần đây, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp về đo lường nói chung và kinh doanh hàng đóng gói sẵn nói riêng đã được nâng lên. Các doanh nghiệp có ý thức tốt, chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư thỏa đáng cho hoạt động đo lường. Phương tiện, dụng cụ đo lường ngày càng hiện đại, độ chính xác cao, đặc biệt là việc ứng dụng đo lường kỹ thuật số đã mở ra khả năng ứng dụng rộng rãi của công nghệ thông tin trong lĩnh vực đo lường. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng đóng gói sẵn đã thông tin trung thực về lượng của hàng đóng gói sẵn; thông báo với khách hàng, người sử dụng về điều kiện phải thực hiện khi vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng HĐGS; bảo đảm lượng của hàng đóng gói sẵn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đo lường theo quy định; thực hiện chứng nhận, duy trì điều kiện và việc sử dụng dấu định lượng trên nhãn hàng đóng gói sẵn nhóm 2 theo quy định. 

Trong thời đại công nghiệp 4.0, tiêu chuẩn- đo lường- chất lượng là yếu tố quan trọng đẩy mạnh phát triển KHCN, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, vật tư năng lượng, bảo đảm an toàn sản xuất, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Bên cạnh công tác quản lý của cơ quan nhà nước thì trong bối cảnh hiện nay, việc nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của hoạt động TCĐLCL nói chung và hàng đóng gói sẵn nói riêng đối với doanh nghiệp và người dân là việc làm hết sức cần thiết. Qua đó, giúp cơ quan quản lý, các doanh nghiệp tuân thủ các yêu cầu pháp luật cũng như phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi gian lận, tạo sự công bằng và cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh, phục vụ sản xuất và đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh.

Năm 2022, Sở KH&CN chỉ đạo Chi cục TCĐLCL phối hợp phòng Kinh tế hạ tầng các huyện, thành phố tiến hành kiểm tra đối với 26 cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm được kiểm tra gồm thức ăn chăn nuôi, mỳ gạo, gạo, trà hoa vàng, thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn, nấm đông trùng hạ thảo, bánh quế, bánh nông sản, chè, cà gai leo, kẹo lạc vừng, giò gà, trà xạ đen, kẹo lạc vừng, sản phẩm khí dầu mỏ hoá lỏng, …). Qua kiểm tra hầu hết các cơ sở đã thực hiện tốt các quy định về TCĐLCL. Tuy nhiện, vẫn còn một số cơ sở thực hiện chưa đúng các quy định về TCĐLCL như: ghi lượng chưa đúng; chưa xuất trình được giấy chứng nhận kiểm định của một số phương tiện đo đang sử dụng; chưa xuất trình Quyết định công bố áp dụng Tiêu chuẩn cơ sở; Quy trình sản xuất; Kế hoạch kiểm soát chất lượng sản phẩm; trên nhãn chưa thể hiện đầy đủ nội dung theo quy định (thiếu nội dung: Xuất xứ hàng hóa, Thông tin cảnh báo; Thông tin về số công bố Tiêu chuẩn tự công bố của sản phẩm; Chưa thực hiện đóng phí duy trì mã số mã vạch theo quy định;....). Đoàn đã ban hành thông báo tạm dừng hoạt động đo lường không phù hợp; thông báo hoạt động đo lường được tiếp tục thực hiện sau khi cơ sở đã khắc phục tồn tại và thực hiện biện pháp kiểm soát về đo lường để đảm bảo lượng của hàng đóng gói sẵn đạt yêu cầu và nội dung ghi nhãn đúng quy định trước khi hàng hoá lưu thông ra thị trường.

Để công tác quản lý về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn đi vào nề nếp, một số giải pháp cần thực hiện là:

Thứ nhất, các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa đến TCĐLCL đối với hàng đóng gói sẵn. Đề xuất hàng năm, các cơ quan như Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với Sở Khoa học và Công nghệ trong việc hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh về ghi nhãn hàng hoá, sử dụng mã số mã vạch, công bố tiêu chuẩn chất lượng, sử dụng phương tiện đo định lượng hàng hóa.

Thứ hai, Sở Khoa học và Công nghệ cần tăng cường, phổ biến hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn trên địa bàn các quy định pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Thứ ba, UBND các huyện, thành phố cần tăng cường phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trong công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn trên địa bàn.

Thứ tư,  các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói săn cần thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng; Kịp thời liên hệ, phản ánh các đề xuất, kiến nghị, bất cập về tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho Sở Khoa học và Công nghệ để được hướng dẫn, giải đáp.

Nguyễn Thị Hải Vân- Chi cục TCĐLCL

 

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

User Online: 15,632
Total visited in day: 7,194
Total visited in Week: 10,155
Total visited in month: 108,410
Total visited in year: 788,687
Total visited: 12,729,528