Thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020: Cơ hội trong thách thức

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Ngày 8.3.2013, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020.

Ngày 8.3.2013, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020.


Tham dự hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Trung ương (UVTƯ) Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân; UVTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân; UVTƯ Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng; UVTƯ Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh Phan Thanh Bình; Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về KH&CN, Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia Hoàng Văn Phong; Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Đặng Vũ Minh cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp.



Điều kiện tốt nhất từ trước tới nay

 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, chưa bao giờ KH&CN nước nhà lại có cơ hội thuận lợi như bây giờ: với hệ thống các văn bản như Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết số 20-NQ/TW) đã được ban hành, sắp tới là Đề án tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN, Luật KH&CN (sửa đổi)… chưa bao giờ các khó khăn của hoạt động KH&CN có điều kiện để giải quyết triệt để như bây giờ. Mọi khó khăn đã được đặt lên bàn và các giải pháp đã hình hài.


Điều này thể hiện rất rõ trong Chiến lược KH&CN giai đoạn 2011-2020. Quán triệt những quan điểm, chủ trương, chính sách phát triển KH&CN của Đảng và Nhà nước, Chiến lược đã xác định rõ mục tiêu, định hướng nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển KH&CN. Chiến lược cũng nhấn mạnh mục tiêu phát triển đồng bộ khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ; đưa KH&CN thực sự trở thành động lực then chốt, đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.


Chiến lược cũng đã đặt ra những định hướng có ý nghĩa đột phá để phát triển KH&CN, đó là: tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN; tăng cường tiềm lực KH&CN quốc gia, bao gồm xây dựng hệ thống cơ sở KH&CN (các trung tâm nghiên cứu, trang thiết bị nghiên cứu, ứng dụng) và đào tạo nguồn nhân lực KH&CN; phát triển đồng bộ khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên và các hướng công nghệ ưu tiên; nghiên cứu ứng dụng KH&CN trong các ngành, lĩnh vực, vùng, địa phương; phát triển dịch vụ KH&CN. Đồng thời, Chiến lược đề cập đến nhiệm vụ đào tạo, sử dụng và đãi ngộ nhân lực, đặc biệt là nhân tài KH&CN và đặt ra yêu cầu nâng cao trách nhiệm, tinh thần tận tụy phục vụ sự nghiệp chấn hưng nền khoa học nước nhà của các nhà khoa học.


Một trong những ranh giới khiến KH&CN còn chưa thực sự đi vào cuộc sống, phục vụ cuộc sống chính là tư duy, nhận thức của một bộ phận không nhỏ các nhà quản lý nói riêng và của cả xã hội nói chung về vai trò của KH&CN đối với phát triển kinh tế. Điển hình của việc này là trong một thời gian dài, trong quá trình xây dựng kế hoạch của các bộ/ngành/địa phương hầu như không có cấu phần của kế hoạch phát triển KH&CN 5 năm đi kèm với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nên không có cơ sở để giao nhiệm vụ cho lực lượng khoa học phục vụ thiết thực cho sự phát triển của các bộ/ngành/địa phương. Để khắc phục hạn chế này, Nghị quyết 20 quy định kế hoạch KH&CN 5 năm và hàng năm phải trở thành một bộ phận bắt buộc, đồng bộ với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Người đứng đầu địa phương duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng là người ra đầu bài, nhiệm vụ cho KH&CN ở địa phương mình. Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh: Hội nghị này là cơ hội để các bộ/ngành/địa phương thảo luận, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, phối hợp chương trình hành động để triển khai lồng ghép nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của bộ/ngành/địa phương và đơn vị mình để chậm nhất đến quý II/2013 phải hoàn thành kế hoạch KH&CN từ nay đến năm 2015.



Yếu tố nào đảm bảo cho sự thành công?


Mặc dù phấn chấn với “làn gió đổi mới”, nhưng các đại biểu tại Hội nghị cũng thấy còn nhiều khó khăn, gian nan trên con đường phía trước. Câu hỏi lớn được đặt ra ở đây là: Làm thế nào để sự đổi mới đi vào thực tiễn và đâu là những yếu tố đảm bảo thành công của Chiến lược nói riêng và sự “cất cánh” của KH&CN Việt Nam nói chung?


Bộ trưởng Nguyễn Quân đã tổng kết 3 yếu tố quan trọng hàng đầu phải quan tâm, đó là: nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của KH&CN; nguồn lực đầu tư và cách thức đầu tư cho KH&CN; sự vào cuộc của doanh nghiệp và tổ chức KH&CN. Đây cũng là nội dung xuyên suốt, thể hiện trong nhiều tham luận và phát biểu của các đại biểu tham dự Hội nghị.


Nâng cao nhận thức: khó khăn này cũng đã được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ ngay trong phần đầu Hội nghị. Phó Thủ tướng khẳng định: mặc dù vị trí và vai trò của KH&CN đã được khẳng định nhưng trên thực tế KH&CN chưa thực sự được coi là quốc sách. Nguyên nhân chính là do nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của KH&CN chưa đầy đủ. Điều này thể hiện rất rõ trong đầu tư cho KH&CN. Để có được 2% tổng chi ngân sách quốc gia (khoảng 1 tỷ USD) giới quản lý KH&CN đã phải “đấu tranh” rất vất vả, trong khi đó, hãy xem tại các nước phát triển, KH&CN được đầu tư và quan tâm như thế nào: Mỹ, 1 năm đầu tư hơn 400 tỷ USD cho KH&CN (số người nghiên cứu KH&CN là 1,4). Trung Quốc đầu tư 178 tỷ USD (số người nghiên cứu KH&CN là 1,2 triệu). Nhật Bản đầu tư 1 năm 140 tỷ USD cho KH&CN (số người làm KH&CN là 655 ngàn). Hàn Quốc chỉ với 48 triệu dân nhưng đầu tư cho KH&CN là 53 tỷ USD… Qua đó ta hình dung được rằng kinh phí đầu tư cho KH&CN của các nước trên là rất lớn. Còn đầu tư cho KH&CN của Việt Nam khoảng 1 tỷ USD, với gần 90 triệu dân. Hàn Quốc đầu tư cho KH&CN một năm bằng Việt Nam đầu tư cho KH&CN 50 năm...


Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định, nâng cao nhận thức và sự quan tâm của người lãnh đạo cao nhất từ trung ương tới cơ sở là một yếu tố “then chốt”. Bộ trưởng khẳng định lại ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu: ở một tỉnh mà Bí thư, Chủ tịch không quan tâm thì KH&CN không có đất để phát triển, ở một bộ/ngành mà lãnh đạo bộ/ngành đó không quan tâm thì giới KH&CN trong bộ/ngành đó khó đóng góp được nhiều. Sự phát triển của các nước xung quanh ta là bài học nhãn tiền. Thành công của họ không phải ngẫu nhiên mà có. Đó là sự quan tâm của chính phủ, người lãnh đạo cao nhất của đất nước và toàn bộ hệ thống quản lý của họ.


Nghị định 115, Nghị định 80 ra đời với mong muốn “cởi trói” cho các nhà khoa học. Nhưng thực tế nhiều tổ chức không dám nhận cơ hội “cởi trói” này. Nguyên nhân chính là tư duy của giới quản lý. Nếu như giao quyền tự chủ cho các tổ chức KH&CN mà không giao cho họ tài sản, kể cả vô hình và hữu hình thì họ “ra trận” bằng gì khi mà tài chính giữ vai trò đầu tiên và quyết định. Nhưng để giao được tài sản cho các nhà khoa học thì có quá nhiều vướng mắc từ các bộ/ngành liên quan. Như Bộ Tài nguyên và Môi trường (liên quan việc giao quyền sử dụng đất), Bộ Tài chính liên quan việc giao tài sản… Nếu những người đứng đầu các bộ/ngành không thực sự quan tâm đến KH&CN thì những vấn đề này chưa biết đến bao giờ mới có thể giải quyết và chắc chắn số lượng “muốn được trói” vẫn còn nhiều và những ai mạnh mẽ hơn sẽ phải chấp nhận rủi ro như đi vay lãi tư nhân để làm nghiên cứu - trường hợp của các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm trọng điểm lọc hoá dầu.


Nguồn lực và cách thức đầu tư: chia sẻ với thông tin về đầu tư của các nước phát triển dành cho KH&CN của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh Phan Thanh Bình nhấn mạnh: “Muốn có đỉnh cao, phải đầu tư đỉnh cao”. Nếu chúng ta chỉ có 1 tỷ USD, bằng 1/50 của Hàn quốc, chưa bằng 1% của Trung Quốc thì chắc chắn chúng ta không bao giờ đuổi kịp các nước trong khu vực chứ chưa nói đến các nước công nghiệp phát triển. Mặc dù tiếng là 2% ngân sách nhà nước  chi cho KH&CN, nhưng trên thực tế, tiền dành cho nghiên cứu mà Bộ KH&CN quản lý chỉ khoảng 10% của 2% (tương đương 2/1000 chi ngân sách). Điều này dẫn đến thực tế như GS Phạm Gia Khánh chia sẻ là: cả nước có khoảng 100 đơn vị khoa học trong lĩnh vực y dược, trong 5 năm qua được thực hiện 43 đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, nếu kể cả các đề tài độc lập, nghị định thư thì tổng số cũng chưa được 100 đề tài. Như vậy, bình quân 1 đơn vị không được 1 đề tài nghiên cứu. Các yêu cầu cần thiết khác như dự hội thảo quốc tế lại càng xa vời. Trong khi nghiên cứu và dự hội thảo quốc tế là yêu cầu không thể thiếu trong việc nâng cao trình độ của các nhà khoa học. Một thực tế đáng buồn là, mặc dù là cơ quan hiểu rõ nhất về nhu cầu, khả năng nghiên cứu KH&CN của các địa phương, đơn vị nhưng những đề xuất của Bộ KH&CN về phân bổ kinh phí KH&CN cũng không được xuất hiện trong các văn bản quyết định cuối cùng - Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ.


Sự vào cuộc của doanh nghiệp và toàn bộ hệ thống KH&CN: Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh: nếu không có đội ngũ cán bộ KH&CN giỏi, không có sự quan tâm, đầu tư từ nguồn lợi nhuận của doanh nghiệp và từ nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp thì chúng ta không thể thành công. Trong Chiến lược, ở cả mục tiêu cụ thể và tổng quát đều cho thấy vai trò của doanh nghiệp, xã hội đối với các mục tiêu này là đặc biệt quan trọng. Đầu tư cho KH&CN còn rất ít ỏi, nhưng nếu mỗi năm 11 tập đoàn của nhà nước, 90 tổng công ty 90-91 dành 10% doanh thu trước thuế cho hoạt động KH&CN thì đã có nguồn tiền lớn gấp 2 lần chi ngân sách nhà nước. Đơn cử như Tập đoàn Viettel năm 2011 đã trích 25.000 tỷ đồng, năm 2012 là 38.000 tỷ đồng cho hoạt động KH&CN. Tuy nhiên những tấm gương sáng như Viettel còn khá ít. Cơ chế để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tham gia hoạt động KH&CN vẫn đang tiếp tục được đưa ra.


Mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức, song Bộ trưởng Nguyễn Quân mong muốn và hy vọng, sự đổi mới tư duy của các nhà quản lý, nhà khoa học; sự thành công rực rỡ khi đầu tư cho KH&CN ở một số doanh nghiệp sẽ ngày càng lan toả và tác động rộng rãi, và như thế KH&CN sẽ thực sự phát triển và đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.


 

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 17,083
Tổng số trong ngày: 4,752
Tổng số trong tuần: 18,213
Tổng số trong tháng: 116,468
Tổng số trong năm: 796,745
Tổng số truy cập: 12,737,586