Phê duyệt chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030

|
Views:
dark-mode-label OFF
Font size: A- A A+
Đọc bài viết

Ngày 22 tháng 8 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030. Quyết định đã đánh dấu một bước tiến lớn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, khẳng định tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo cũng như phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Đây là chiến lược do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng, với sự phối hợp của các Bộ, ngành liên quan và sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.

Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 được xây dựng với 3 quan điểm chỉ đạo:  Phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Chính sách sở hữu trí tuệ là một bộ phận không thể tách rời trong chiến lược, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia và các ngành, lĩnh vực.

Hoạt động sở hữu trí tuệ có sự tham gia tích cực của tất cả các chủ thể trong xã hội, trong đó viện nghiên cứu, trường đại học, các cá nhân hoạt động sáng tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ.

Trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo đó, chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 đặt ra 5 nhóm mục tiêu cần phấn đấu đạt được, cụ thể là:

- Đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ.

- Việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, công bằng, đáp ứng kịp thời yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội.

- Hiệu quả thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ được nâng cao rõ rệt, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giảm đáng kể.

- Tài sản trí tuệ mới của cá nhân, tổ chức Việt Nam gia tăng cả về số lượng và chất lượng, cải thiện vượt bậc các chỉ số về sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). Ở mục tiêu này, quy định những chỉ tiêu định lượng cụ thể như: Số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16-18%/năm, số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tăng trung bình 6-8%/năm, số lượng đơn dăng ký nhãn hiệu tăng trung bình 8-10%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12 -14%/năm… Đây là các chỉ tiêu định lượng có thể tác động tới kết quả xếp hạng của Việt Nam trong Bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), đồng thời cũng sẽ là một trong các tiêu chí thể hiện chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia.

- Hiệu quả sử dụng quyền sở hữu trí tuệ được nâng cao và gia tăng đáng kể số lượng sản phẩm có hàm lượng sở hữu trí tuệ cao: Hoạt động khai thác, thương mại hóa tài sản trí tuệ được chú trọng đẩy mạnh, tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt 8-10% số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ; có ít nhất 1-2 giống cây trồng được khai thác quyền ở nước ngoài; phấn đấu đến năm 2030 doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên quyền tác giả, quyền liên quan đóng góp khoảng 7% GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội,…

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Chiến lược đặt ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, Cụ thể: (1) Hoàn thiện chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ; (2) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; (3) Tập trung đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ; (4) Thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ; (5) Khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ; (6) Phát triển các hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; (7) Tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động sở hữu trí tuệ; (8) Hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội và (9) Tích cực, chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế về sở hữu trí tuệ.

Trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm làm đầu mối tổng hợp tình hình thực hiện chiến lược, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ, tổ chức sơ kết việc thực hiện chiến lược đến năm 2025 và xác định các nhiệm vụ, đề án ưu tiên cho giai đoạn tiếp theo; Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, đề án liên quan đến lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

Ngoài ra, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện chiến lược trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật hiện hành.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW có trách nhiệm triển khai thực hiện chiến lược, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện kế hoạch phát triển KT – XH địa phương.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

BBT

 

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

User Online: 17,050
Total visited in day: 2,346
Total visited in Week: 2,345
Total visited in month: 100,600
Total visited in year: 780,877
Total visited: 12,721,718