Nghiệm thu đề tài cấp quốc gia về sản xuất và sử dụng phân bón chuyên dùng cho cây vải thiều Bắc Giang

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Sáng 28/2, tại Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức họp hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu sản xuất và sử dụng phân bón chuyên dùng cho cây vải thiều tại tỉnh Bắc Giang” do Viện Thổ nhưỡng Nông hoá chủ trì thực hiện trong 48 tháng (từ tháng 3/2020 - 02/2024).

Đ/c Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch hội đồng điểu hành buổi họp

Theo đại diện cơ quan chủ trì, đề tài nhằm xác định được chuẩn dinh dưỡng đất và lá cho cây vải thiều tại tỉnh Bắc Giang; Xây dựng được các quy trình: sản xuất, sử dụng phân bón chuyên dùng cho cây vải; Xây dựng được các mô hình liên kết như: nghiên cứu - sản xuất kinh doanh; sử dụng phân bón chuyên dùng cho cây vải thiều thời kỳ kinh doanh.

Trong thời gian triển khai, đề tài đã thực hiện thu thập, tổng hợp tài liệu, điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất, chất lượng đất vùng trồng vải tại 3 xã: Tân Trung, huyện Tân Yên và Quý Sơn, Tân Sơn, huyện Lục Ngạn.

Qua nghiên cứu, nhóm tác giả đã xác định được chuẩn dinh dưỡng đất với giá trị pH, OC, Nts, lân dễ tiêu, kali dễ tiêu, canxi trao đổi, magie trao đổi, lưu huỳnh, kẽm…; Xác định được chuẩn dinh dưỡng lá đối với cây vải qua hàm lượng N, P, K ở thời kỳ phân hóa mầm hoa.

Đã xây dựng 03 quy trình sản xuất phân bón chuyên dùng cho cây vải gồm: Quy trình sản xuất phân bón hữu cơ khoáng chuyên dùng; Quy trình sản xuất phân bón hỗn hợp NPK chuyên dùng bón qua đất và Quy trình sản xuất phân bón hỗn hợp NPK chuyên dùng bón qua hệ thống tưới nước tiết kiệm.

Nhóm nghiên cứu đã tạo ra các sản phẩm phân bón chuyên dùng phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây vải thiều Bắc Giang; thực hiện liên kết với công ty TNHH và Đầu tư Hòa Phú sản xuất được 60 tấn phân hữu cơ khoáng chuyên dùng, 38 tấn phân hữu cơ NPK chuyên dùng bón qua đất, 2 tấn phân NPK hòa tan sử dụng qua hệ thống tưới nước tiết kiệm.

TS. Nguyễn Quang Hải, Chủ nhiệm đề tài, đại diện nhóm nghiên cứu phát biểu

Bên cạnh đó, đã xây dựng mô hình sử dụng phân bón chuyên dùng cho vải thiều tại địa bàn huyện Tân Yên và Lục Ngạn với quy mô 20ha. Từ đó, góp phần tăng năng suất cây vải từ 11,1-11,7%, cho lợi nhuận tăng từ 10,4-14,8 triệu đồng/ha so với sử dụng các loại phân bón thông thường và góp phần bảo vệ môi trường.

Xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu về đặc điểm đất trồng vải, hàm lượng dinh dưỡng trong lá và hướng dẫn sử dụng phân bón cho cây vải dựa trên đặc điểm đất và năng suất mục tiêu. Dữ liệu được tích hợp trên bản đồ theo theo từng xã người dùng có thể tra cứu một cách dễ dàng và áp dụng vào thực tiễn sản xuất.

Đề tài tạo ra 03 sản phẩm phân bón chuyên dùng gồm: Phân hữu cơ khoáng chuyên dùng HK-V; Phân bón hỗn hợp chuyên dùng bón qua đất HH-V1 (NPK 20:12:8 + TE) và Phân bón hòa tan chuyên dùng bón qua hệ thống tưới tiết kiệm HT-V3 (NPK 15:5:35+ TE) đã được Cục BVTV cấp đăng ký lưu hành theo quyết định số 2424/QĐ-BVTV-PB ngày 05 tháng 12 năm 2023; đã xuất bản được 03 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành; 01 bản tin khuyến nông trên Website của Trung tâm khuyến nông tỉnh Bắc Giang; hỗ trợ đào tạo 01 thạc sỹ chuyên ngành khoa học cây trồng.

TS. Bùi Huy Hiền, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam, UVPB 1 phát biểu

Đánh giá quá trình triển khai và các kết quả đã đạt được của đề tài, các thành viên hội đồng cho rằng, nhóm thực hiện đã đánh giá khái quát được các vấn đề liên quan đến từng nội dung nghiên cứu của nhiệm vụ; phương pháp, kỹ thuật sử dụng trong nghiên cứu đảm bảo phù hợp, thể hiện tính mới, tiên tiến so với các công nghệ hiện có của địa phương; đã đưa ra các tổ hợp phân bón chuyên dùng cho cây vải đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Kết quả của nghiên cứu có khả năng chuyển giao và áp dụng với người trồng vải.

Để góp phần hoàn thiện nghiên cứu, hội đồng đề nghị nhóm tác giả bổ sung khái niệm tổng quan về phân bón chuyên dùng; làm rõ việc sử dụng loại phân bón này cho vải thiều chín sớm hay vải chính vụ; bổ sung phương pháp lấy mẫu, phân tích số liệu, tiêu chí lựa chọn địa điểm bố trí thí nghiệm, điều kiện thời tiết, khí hậu trong quá trình thực hiện; xây dựng phương án xử lý tài sản hình thành sau quá trình triển khai đề tài; khuyến cáo đề xuất chuyển giao kết quả nghiên cứu; bổ sung đánh giá hiệu quả đối với môi trường khi áp dụng kết quả nghiên cứu.

Các thành viên hội đồng đã bỏ phiếu thống nhất đánh giá đề tài đạt yêu cầu, đề nghị chủ nhiệm và nhóm nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện báo cáo./.

HT

 

 

 

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 13,088
Tổng số trong ngày: 3,088
Tổng số trong tuần: 91,957
Tổng số trong tháng: 37,112
Tổng số trong năm: 717,389
Tổng số truy cập: 12,658,230