Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hướng đến mục tiêu “vì một Bắc Giang phát triển toàn diện, vững chắc”

|
查看数次:
dark-mode-label OFF
font-size: A- A A+
Đọc bài viết
Khoa học và công nghệ (KH&CN) là nhân tố quyết định để đẩy mạnh quá trình phát triển, hiện đại hóa đất nước, đóng góp trong việc tăng năng suất lao động của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, địa phương, giữ vai trò quyết định trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; vì vậy KH&CN ngày càng trở thành một lực lượng sản xuất quan trọng của nhân loại.

Khoa học kỹ thuật (nay là KH&CN) luôn gắn liền với quá trình tồn tại và phát triển của xã hội loài người, ngay từ thế kỷ XIX, vaii trò của khoa học kỹ thuật đã được Mác thể hiện trong các bài nói, bài viết của mình, Mác nói: Có một sự thật vĩ đại, đặc trưng cho thế kỷ XIX của chúng ta, mà không một đảng phái nào dám phủ nhận. Một mặt, đã xuất hiện những lực lượng công nghiệp và khoa học mà không một thời đại nào trước kia của lịch sử nhân loại, thậm chí có thể ngờ tới… Chúng ta thấy rằng những máy móc có một sức mạnh kỳ diệu trong việc giảm bớt lao động của con người và làm cho lao động của con người có kết quả hơn.  Trong quá trình hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, Người không nhắc đến khái niệm KH&CN, tuy nhiên Người rất đề cao vai trò của khoa học và kỹ thuật mà sau này Đảng ta coi khoa học và kỹ thuật là Khoa học và Công nghệ. Người cho rằng, khoa học và kỹ thuật phải gắn với sản xuất, qua đó góp phần nâng cao năng suất lao động: Có cải tiến kỹ thuật, cải tiến tổ chức lao động mới có thể sản xuất nhiều, nhanh, tốt rẻ…Nếu chỉ dựa vào sự quen tay hoặc nếu chỉ dồn thêm sức ra, kết quả thường là được mặt này mất mặt khác, được nhanh lại không tốt, được tốt lại không nhanh, không rẻ…mà mặt nào cũng bị hạn chế.

Trong những năm cuối thế kỷ XX, thế giới đã được chứng kiến những biến đổi hết sức to lớn, đó là sự tác động mạnh mẽ và sâu sắc của tiến bộ khoa học - công nghệ, mà làn sóng đổi mới công nghệ đóng vai trò trọng yếu. Khoa học và công nghệ đã thực sự là nguồn lực nòng cốt của sự phát triển. Những tiến bộ của khoa học, công nghệ đã bước vào một nền văn minh mới - nền văn minh trí tuệ. Những thành tựu to lớn của khoa học và công nghệ trên thế giới đã đẩy nhanh sự phát triển như vũ bão của lực lượng sản xuất, làm chuyển biến mạnh mẽ cơ cấu kinh tế và làm thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội.

Bắc Giang-Ứng dụng KH&CN góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững

Ngày nay khoa học kỹ thuật đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, trong đó cuộc cách mạng công nghệ là cốt lõi. Trình độ phát triển khoa học, công nghệ của một quốc gia đã trở thành yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh trong xu thế toàn cầu hoá, là chìa khoá để mở ra và khai thác những khả năng, tiềm năng của một quốc gia. Vai trò của khoa học, công nghệ được thể hiện một cách rõ nét trong cơ cấu giá thành của một sản phẩm. Cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ, hàm lượng khoa học, công nghệ trong giá thành sản phẩm cũng tăng lên. Nếu trước đây hiệu quả kinh tế chủ yếu dựa vào vốn đầu tư và sức lao động giản đơn, nặng nhọc khoa học, công nghệ chỉ chiếm 30 - 40% trong cơ cấu giá thành thì ngày nay, trong các sản phẩm công nghệ cao, chất xám đã chiếm đến 70 - 75% thậm chí có những sản phẩm như điện tử, tin học, dược phẩm... hàm lượng khoa học, công nghệ chiếm đến 85 - 98%. Vai trò to lớn của khoa học, công nghệ ngày càng được khẳng định trong xu thế toàn cầu hoá nền kinh tế. Bởi vì chỉ có khoa học, công nghệ mới có thể giúp các quốc gia giải quyết nhu cầu ngày càng tăng lên của sự tiến bộ xã hội và thắng lợi trong cạnh tranh. Ngày nay, không một quốc gia nào lại không nhận thức được vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo đối với sự phát triển đất nước.

Đảng ta đã khẳng định: “ Phát triển khoa học và công nghệ cùng với phát triển giáo dục và đào tạo là Quốc sách hàng đầu”. Thời gian gần đây, nhiều văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà Nước với quan điểm: Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”. Điều đó nói lên vai trò to lớn của khoa học, công nghệ cả về lý luận và thực tiễn, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Bắc Giang phấn đấu nằm trong top 15 về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Bắc Giang là một tỉnh ở khu vực Trung du miền núi phía Bắc, vì vậy việc phát triển, ứng dụng những tiến bộ của KH&CN vào sản xuất có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và trong khu vực. Trong những năm qua dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp cùng với việc hướng dẫn cụ thể của Bộ Khoa học và Công nghệ, ngành KH&CN đã tham mưu Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN để cụ thể hóa các quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý tăng cường công tác quản lý nhà nước cũng như các chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào hoạt động KH&CN. Thông qua các nhiệm vụ nghiên cứu - ứng dụng, khoa học và công nghệ trong hầu hết các lĩnh vực đã có những tác động tích cực đến công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực KHXH&NV đã giúp vận dụng có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào điều kiện cụ thể của địa phương, khơi dậy nội lực, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của người Bắc Giang, là điều kiện để củng cố quốc phòng - an ninh của địa phương. Hay như nghiên cứu ứng dụng KH&CN bảo vệ môi trường sinh thái để đảm bảo phát triển kinh tế- xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; các nghiên cứu - ứng dụng trong quy hoạch các vùng sản xuất phù hợp với đặc điểm sinh thái, nghiên cứu lựa chọn công nghệ thích hợp phục vụ cho công nghiệp chế biến và phát triển công nghiệp nông thôn, làng nghề đã tạo nhiều nông sản hàng hoá, tạo thêm nghề và việc làm mới ở nông thôn. Điển hình như: nghiên cứu xác định đặc thù về điều kiện tự nhiên (đất đai, khí hậu, địa hình,…) quyết định chất lượng đặc thù của Vải Thiều Lục Ngạn để có thương hiệu Chỉ dẫn địa lý, sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn GAP, đã góp phần tăng giá trị từ 20-30% so với vải thiều sản xuất thường. Như vậy tác động của khoa học và công nghệ đối với cây vải thiều (Chỉ dẫn địa lý và vải tiêu chuẩn Gap) là rất lớn, góp phần tăng thêm giá trị hàng năm hàng trăm tỷ đồng so với trước đây chưa áp dụng khoa học và công nghệ. Một điển hình nữa, Có thể nói, từ khi có thương hiệu "Gà Yên Thế ", chăn nuôi gà Yên Thế đã trở thành một nghề phổ biến đối với nhiều hộ dân. Lợi thế so sánh về gà thương hiệu đã giúp các hộ chăn nuôi có thu nhập ổn định, nhiều hộ thu nhập từ 100- 200 triệu đồng/năm, năm thuận lợi một số hộ có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng được quan tâm, thường xuyên tổ chức các cuộc thanh, kiểm tra, tuyên truyền theo chuyên đền về tiêu chuẩn, đo lường chất lượng như: quản lý đo lường, chất lượng hàng hóa đóng gói sẵn, xăng dầu... đã có tác động tích cực đến xã hội, bảo vệ quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, giúp người tiêu dùng lựa chọn hàng hoá đảm bảo chất lượng, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái. Đồng thời, gắn hoạt động về sở hữu trí tuệ, thương mại hoá các thành quả KH&CN; sản phẩm hàng hóa truyền thống, đặc sản của tỉnh được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, cấp chứng nhận bảo hộ về sở hữu trí tuệ, như: Vải thiều Lục Ngạn, vải Tân Yên, Dứa Lạng Giang, mây tre đan Tăng Tiến, rượu Làng Vân, gà đồi Yên Thế, mỳ Chũ, gạo thơm Yên Dũng... tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm của tỉnh trên thị trường, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Các thể chế hỗ trợ cho phát triển thị trường công nghệ đã bước đầu được hình thành. Hình thành kênh giao dịch thị trường thúc đẩy hoạt động kết nối cung-cầu và các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được phát huy.

Bắc Giang, mặc dù đầu tư cho KH&CN chỉ bằng 1/2 so với mức bình quân chung của cả nước, song cơ chế quản lý các tổ chức thực hiện hoạt động KH&CN đã từng bước được đổi mới theo hướng xã hội hóa và gắn kết với sản xuất-kinh doanh.  Các tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đã thực hiện hoạt động KH&CN. Phạm vi hoạt động của các tổ chức này được mở rộng, quyền tự chủ về tài chính bước đầu được triển khai áp dụng đối với các tổ chức thực hiện KH&CN. Việc phân công, phân cấp trong quản lý nhà nước về KH&CN đã được cải tiến một bước thông qua việc hoàn thiện tổ chức bộ máy, quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của Sở KH&CN, bộ phận quản lý KH&CN cấp huyện. Trong năm qua, tổ chức quản lý KHCN cấp huyện, thành phố đều có Hội đồng KH&CN với chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức được thống nhất theo hướng dẫn.

Thời gian qua, những thành tựu của khoa học và công nghệ của tỉnh đã tạo nên những thay đổi cơ bản trong đời sống, trong sản xuất cũng như trong tư duy và tập quán của người dân. Trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang ảnh hưởng ngày càng sâu rộng đến các lĩnh vực, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới, tiếp tục hướng đến mục tiêu “Vì một Bắc Giang phát triển toàn diện, vững chắc” .

                                Trương Thị Hồng Minh

                                                          Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang

 

Statistical Access Statistical Access

User Online: 19,014
Total visited in day: 1,037
Total visited in Week: 1,036
Total visited in month: 99,291
Total visited in year: 779,568
Total visited: 12,720,409