Chiến lược phát triển KH&CN 2011 - 2020: Lực đẩy để KH&CN cất cánh

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đây được kỳ vọng sẽ tạo ra sự chuyển biến căn bản trong hoạt động KH&CN.

Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đây được kỳ vọng sẽ tạo ra sự chuyển biến căn bản trong hoạt động KH&CN.


Phấn đấu đến năm 2020, một số lĩnh vực của VN đạt trình độ tiên tiến, hiện đại của khu vực và TGi


TS.Tạ Doãn Trịnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN, đơn vị được giao chuẩn bị Hội nghị toàn quốc về triển khai Chiến lược đã có buổi tọa đàm trong Chương trình đối thoại cuối tuần của Đài Tiếng nói Việt Nam. Phóng viên ghi lại một số nội dung cơ bản của buổi tọa đàm.

 

- Ông cho biết những mục tiêu chủ yếu của Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020?

 

TS.Tạ Doãn Trịnh: Để góp phần đạt được mục tiêu đưa Việt Nam về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giai đoạn 2011-2020 đã được Đại hội Đảng lần thứ XI thông qua, Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 đề ra những mục tiêu tổng quát và cụ thể.

 

Mục tiêu tổng quát là đến năm 2020, KH&CN Việt Nam có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; phát triển đồng bộ khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, đáp ứng yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại; phấn đấu đưa Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN trong một số lĩnh vực KH&CN.

 

Cùng với đó là 5 nhóm mục tiêu cụ thể. Thứ nhất, về phục vụ phát triển KT-XH: Đến năm 2020, KH&CN góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và tái cấu trúc nền kinh tế. Giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% GDP. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 10 - 15%/năm giai đoạn 2011 - 2015 và trên 20%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Giá trị giao dịch của thị trường KH&CN tăng trung bình 15 - 17%/năm.

 

Hai là, về bản thân KH&CN: Vào năm 2020, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến, hiện đại của khu vực ASEAN và thế giới. Mục tiêu này được đề ra dựa trên việc trong thời gian qua chúng ta đã có được một số lĩnh vực KH&CN Việt Nam có thế mạnh và đạt được một số thành tựu như: toán học, công nghệ sinh học, y học, KH&CN nông nghiệp,…

 

Thước đo tổng quát giúp thể hiện mục tiêu tiên tiến, hiện đại là số lượng công bố quốc tế và số sáng chế đăng ký bảo hộ. Ứng với tỉ lệ này hiện nay là: Số lượng công bố quốc tế từ các đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách Nhà nước tăng trung bình 15 - 20%/năm. Số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ giai đoạn 2011 - 2015 tăng gấp 1,5 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, giai đoạn 2016 - 2020 tăng 2 lần so với giai đoạn 2011 - 2015, trong đó đặc biệt tăng nhanh số lượng sáng chế được tạo ra từ các nhiệm vụ KH&CN cấp Nhà nước.

 

Ba là, về đầu tư: Phấn đấu tăng tổng đầu tư xã hội cho KH&CN đạt 1,5% GDP vào năm 2015 và trên 2% GDP vào năm 2020. Bảo đảm mức đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho KH&CṆ không dưới 2% tổng chi ngân sách Nhà nước hằng năm.

 

Bốn là, về cán bộ: Tăng số cán bộ nghiên cứu và phát triển đạt 9 - 10 người trên một vạn dân vào năm 2015 và 11 - 12 người trên một vạn dân vào năm 2020. Đến năm 2015 đào tạo và sát hạch theo chuẩn quốc tế khoảng 5.000 kỹ sư; năm 2020 khoảng 10.000 kỹ sư đủ năng lực tham gia quản lý, điều hành dây chuyền sản xuất công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển của đất nước.

 

Năm là, về tổ chức: Đến năm 2015, hình thành 30 tổ chức nghiên cứu và phát triển có cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại và năng lực nghiên cứu mạnh để giải quyết những vấn đề lớn của quốc gia, đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Năm 2020, hình thành được 60 tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế giới. Hình thành 3.000 doanh nghiệp KH&CN vào năm 2015 và khoảng 5.000 doanh nghiệp KH&CN vào năm 2020, trong đó tập trung vào các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Đến năm 2015 xây dựng được 30 cơ sở, năm 2020 được 60 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.


Nhà nước sẽ có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho KH&CN (Ảnh: Nguyễn Hạnh)

 

- Đâu là những điểm mới so với Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2010, thưa ông?

 

Ngoài những khác biệt về thời gian và mốc phát triển mới, vào thời điểm 2020, khi nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, các mục tiêu trong Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 được xác định tương thích với mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) 2011- 2020 và các chiến lược khác hướng tới năm 2020.

 

Cụ thể, Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 nêu mục tiêu tổng quát để hình dung rõ hơn hình ảnh hướng tới của nền KH&CN nước ta trong tương lai. Điều này cũng có ý nghĩa khuyến khích cộng đồng khoa học và cả xã hội tích cực đóng góp vào sự nghiệp phát triển KH&CN nước nhà. Mục tiêu trong Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 bao gồm nhiều chỉ tiêu cụ thể và được chia thành các giai đoạn phát triển (2011 - 2015 và 2016 - 2020). Điều này giúp chúng ta định hướng rõ hơn mục tiêu phát triển; thuận lợi hơn cho việc cân đối giữa KH&CN với các ngành khác và giữa các lĩnh vực KH&CN; thuận lợi cho việc kiểm điểm, đánh giá và điều chỉnh chiến lược. Đây cũng chính là điều rút kinh nghiệm từ thực tế thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN gia đoạn trước 2001- 2010.

 

Ngoài ra, khác với nội dung trong mục tiêu Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam đến năm 2010, trong bản Chiến lược phát triển KH&CN lần này, các vấn đề liên quan đến đổi mới tổ chức hoạt động và quản lý KH&CN được đưa thành một nhiệm vụ chính trong các định hướng nhiệm vụ phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020. Sự thay đổi này thể hiện vai trò quan trọng của cơ chế quản lý và sự quyết tâm tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý hoạt động KH&CN, giải phóng năng lực sáng tạo trong hoạt động KH&CN của Đảng và Nhà nước ta.

 

- Một trong những nhiệm vụ chủ yếu trong Chiến lược là tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý hoạt động KH&CN. Tuy nhiên, đây lại là một trong những “nút thắt” khó gỡ nhất. Bởi mặc dù Ngân sách Nhà nước dành 2% cho KH&CN nhưng thực tế nguồn đầu tư này dường như còn thấp và chưa đáp ứng được nhu cầu? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

 

Đúng là đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN hiện vẫn đang là nút thắt khó gỡ nhất trong giai đoạn vừa qua, mặc dù cơ chế này đã trải qua nhiều giai đoạn đổi mới nhưng cho đến nay vẫn chưa được đổi mới về cơ bản, chưa đồng bộ với cơ chế quản lý kinh tế, vẫn còn nặng về hành chính, chậm chuyển sang kinh tế thị trường và chưa phù hợp với những đặc thù của hoạt động sáng tạo KH&CN.

 

Chính vì vậy Chiến lược KH&CN giai đoạn 2011-2020 đã đặt ra nhiệm vụ trọng yếu từ nay đến 2020 phải tập trung đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý hoạt động KH&CN, đặc biệt là cơ chế đầu tư, sử dụng tài chính và chính sách cán bộ KH&CN.

 

Chẳng hạn, về cơ chế đầu tư, mặc dù đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên mức 2% chi ngân sách cho KH&CN vẫn còn thấp so với yêu cầu và so với các nước trong khu vực. Trên thực tế, chi cho R&D trên cán bộ nghiên cứu ở nước ta còn rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực: ở Việt Nam năm 2010 là 981,3USD/1 nhà khoa học, trong khi đó con số này ở Philippine: 52.370USD/1 nhà khoa học, Thái Lan: 81.764USD/1 nhà khoa học (năm 2008), Malayxia: 208.857USD/1 nhà khoa học (năm 2008), Singapore: 217.431USD/1 nhà khoa học (năm 2008),…

 

Tổng đầu tư từ ngân sách cho KH&CN một năm khoảng 800-900 triệu USD hiện nay cũng gấp 1,5-1,7 lần đầu tư của Hàn Quốc cho Viện ETRI (năm 2010 khoảng trên 500 triệu USD) hay Đài Loan cho Viện ITRI (khoảng trên 600 triệu USD năm 2011).

 

Như vậy, cần đổi mới mạnh mẽ cơ chế đầu tư cho KH&CN để có thêm nguồn đầu tư cho KH&CN. Trong đó, ngoài nguồn lực của Nhà nước, việc xã hội hoá đầu tư cho KH&CN, đặc biệt là cơ chế tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN là điều hết sức quan trọng.

 

- Trong giai đoạn hiện nay, ở các nước, tỷ trọng đầu tư cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp khá cao, trong khi đó, đầu tư cho KH&CN trong khối doanh nghiệp nước ta còn ít, trung bình chỉ khoảng 0,3% doanh thu. Theo ông, trong giai đoạn tới cần phải huy động sự đầu tư của khối doanh nghiệp cho KH&CN như thế nào?

 

Trong Chiến lược đã nêu giải pháp: “Áp dụng một số cơ chế, chính sách đột phá nhằm thúc đẩy xã hội hoá đầu tư cho khoa học và công nghệ, đặc biệt là đầu tư của các doanh nghiệp cho hoạt động nghiên cứu và đổi mới công nghệ”. Và “Kiến nghị sửa đổi quy định về việc doanh nghiệp có thể trích trên 10% thu nhập tính thuế hàng năm đầu tư cho nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ”. Đây là một giải pháp quyết liệt nhưng cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh Trung ương vừa ra Nghị quyết số 20/NQ-TW thể hiện quyết tâm có chế tài buộc doanh nghiệp Nhà nước phải trích một tỷ lệ doanh thu nhất định đầu tư cho KH&CN, song song với việc khuyến khích doanh nghiệp các thành phần kinh tế khác tăng cường đầu tư cho KH&CN.

 

Trên thực tế, một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam ví dụ như Viettel, hiện nay đã có đủ khả năng dành hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư cho KH&CN. Vấn đề là làm sao để có thể tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khi sử dụng vốn đầu tư cho KH&CN này để phục vụ mục tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh của mình. Bởi xét cho cùng khoảng ¾ số tiền  để lại cho KH&CN từ lợi nhuận trước thuế thuộc phần tiền do doanh nghiệp đóng góp.

 

Đồng thời, một số giải pháp khác cũng đang được Nhà nước chú trọng như: Nhà nước hỗ trợ về thông tin KH&CN để doanh nghiệp có định hướng đầu tư đổi mới công nghệ; tăng cường liên kết viện – trường – doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả đầu tư cho KH&CN; triển khai cơ chế hợp tác công tư trong đầu tư cho KH&CN,…

 

Chúng ta có cơ sở để tin tưởng rằng, với sự quyết tâm của Chính phủ, các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN sẽ phát huy tác dụng trong thực tiễn.

 

- Để giúp doanh nghiệp vượt khó, theo ông cần cơ chế chính sách hỗ trợ như thế nào?

 

Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm của đổi mới công nghệ, là người đặt hàng và chủ đầu tư để đổi mới sản phẩm, đổi mới công nghệ. Để giúp doanh nghiệp vượt khó, cần triển khai mạnh mẽ cơ chế hỗ trợ của Nhà nước trong hợp tác công - tư. Điều này có nghĩa, song song với việc tạo môi trường kinh tế thị trường cạnh tranh lành mạnh để doanh nghiệp nhìn thấy lợi ích thiết thực trong việc đầu tư đổi mới công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh đối với sản phẩm, hàng hoá của mình, một mặt, Nhà nước cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp được nhập khẩu, tiếp nhận và nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới.

 

Mặt khác, Nhà nước sẵn sàng giang tay chia sẻ rủi ro trong nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp bảo về tài sản trí tuệ được tạo ra trong quá trình nghiên cứu đổi mới công nghệ.

 

Với việc Chính phủ thông qua và triển khai thực hiện các chương trình quốc gia về KH&CN giai đoạn 2011-2020 như: Chương trình Sản phẩm trọng điểm quốc gia, Chương trình Phát triển công nghệ cao, Chương trình Đổi mới công nghệ, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia,… chúng ta tin tưởng rằng, trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, tìm kiếm công nghệ, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực KH&CN cũng như được vay vốn để đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của mình.

 

- Hội nhập quốc tế về KH&CN là mục tiêu đồng thời là giải pháp quan trọng để góp phần đưa KH&CN Việt Nam sớm đạt trình độ quốc tế. Để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, bên cạnh việc đầu tư kinh phí cho nghiên cứu khoa học, việc đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn hiện nay là điều cần thiết. Vậy đối với nước ta hiện nay, đâu là thách thức trong việc thu hút, trọng dụng và đãi ngộ cán bộ KH&CN để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, thưa ông?

 

Kinh nghiệm của Việt Nam thời gian qua cũng như kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc thu hút, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ KH&CN có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển KH&CN, đồng thời đây cũng là vấn đề thường gặp nhiều khó khăn.

 

Theo tôi, ở nước ta hiện nay, việc thu hút, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ KH&CN để có nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ gặp phải những thách thức cơ bản sau:

 

Thứ nhất, cơ chế quản lý nhân lực KH&CN hiện nay còn chủ yếu dựa trên tư tưởng bình quân, cào bằng, rất khó thực hiện mức đãi ngộ vượt khỏi khuôn khổ chính sách hiện hành. Trong thực tế, khi Bộ KH&CN đưa ra các đề xuất trọng dụng cán bộ KH&CN tài năng thì vẫn chưa có được sự đồng thuận từ nhiều phía.

 

Thứ hai, cơ chế tài chính hiện hành chưa tạo được sự khác biệt để khuyến khích và trọng dụng những tài năng KH&CN. Nếu so với các ngành khác, mức độ trọng dụng ngành KH&CN là thấp (việc chảy máu chất xám ra khỏi lĩnh vực KH&CN đã diễn ra). Để phát triển nhân lực KH&CN, ngoài việc đãi ngộ về vật chất như lương,  cơ chế thù lao đặc thù, cần mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất và trao quyền tự quyết cho các nhà khoa học, trước mắt đối với các nhà khoa học học đầu ngành, các nhà khoa học thực hiện nhiệm vụ quốc gia và các nhà khoa học trẻ tài năng,…

 

Thứ ba, mặc dù vai trò của các nhà khoa học và của lĩnh vực KH&CN đã được nhấn mạnh trong các văn bản của Đảng và Nhà nước, nhưng sự thừa nhận của xã hội, của các ngành, các cấp về vị thế của giới khoa học và nhà khoa học trên thực tế còn chưa cao. Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, sự nhìn nhận về vị thế xã hội cũng như thái độ trọng thị đối với các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học có ảnh hưởng rất lớn đến việc tận tâm tận lực phục vụ đất nước của các nhà khoa học cũng như thu hút được giới trẻ theo gót cha anh đi vào con đường khoa học vốn rất cam go và chông gai.

 

TS. Tạ Doãn Trịnh: Việc thu hút, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ KH&CN tại Việt Nam còn gặp nhiều thách thức (Ảnh: Nguyễn Hạnh)


Cuối cùng, bài học thu hút nhân tài của Việt Nam khi mới thành lập nước khi Bác Hồ mời các tri thức Việt kiều về nước xả thân cống hiến cho đất nước cũng như bài học của các nước Hàn Quốc, Trung Quốc trong việc thu hút ngoại kiều vẫn còn nguyên giá trị. Việc thu hút, trọng dụng nhân tài nói chung và nhân tài KH&CN nói riêng luôn luôn đòi hỏi ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự cam kết của Nhà nước, bắt đầu từ các nhà lãnh đạo cấp cao nhất.

 

Vâng, xin cảm ơn ông!

 

Nguyễn Hạnh http://truyenthongkhoahoc.vn

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 19,677
Tổng số trong ngày: 5,436
Tổng số trong tuần: 18,897
Tổng số trong tháng: 117,152
Tổng số trong năm: 797,429
Tổng số truy cập: 12,738,270