“Bình dân hóa” chuyển đổi số

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết
Chuyển đổi số là chuyển đổi các hình thức hoạt động trong đời sống, tận dụng sự phát triển của công nghệ để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, vì chưa hiểu đúng về chuyển đổi số nên nhiều người dân còn cảm thấy xa vời. Vì thế, rất cần những hoạt động “bình dân hóa” chuyển đổi số để người dân - đối tượng chính của chuyển đổi số hiểu và chủ động trong công cuộc chuyển đổi số.

Xã Phúc Hòa (Tân Yên) là một trong hai xã của tỉnh Bắc Giang được chọn thí điểm triển khai chương trình chuyển đổi số. Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền về chuyển đổi số, cũng như hướng dẫn cài đặt các tiện ích chuyển đổi số, vừa qua, người dân trên địa bàn xã đã được tiếp cận với sàn giao dịch thương mại điện tử xã tại địa chỉ http://phuchoamart.vn.

Ảnh: Sàn giao dịch thương mại điện tử xã Phúc Hòa

Trên sàn giao dịch này, các hộ sản xuất kinh doanh và người dân trong xã có thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm, trao đổi, mua bán, mở rộng kênh tiêu thụ hàng hóa qua mạng internet. Từ đó, từng bước thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người dân theo hướng văn minh, hiện đại, giúp tăng giá trị về giao thương trong và ngoài địa bàn xã.

Thế nhưng, do chưa hiểu được tầm quan trọng và lợi ích của chợ online mang lại nên nhiều người dân còn bỡ ngỡ và thờ ơ. Trước thực trạng đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp cùng UBND xã Phúc Hòa và công ty TNHH NYP tổ chức các buổi “bình dân hóa” chuyển đổi số như: Hiểu đúng về khái niệm và sự cần thiết của chuyển đổi số; Lợi ích và cách thức tham gia, kết nối sàn thương mại điện tử; Kỹ năng bán hàng và ứng dụng sàn thương mại điện tử để phát triển thương hiệu và kinh doanh hiệu quả; Chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay, cách tận dụng các nền tảng công nghệ số trong công việc, cũng như trong đời sống và sản xuất kinh doanh…

Ảnh: Một buổi tối tuyên truyền về chuyển đổi số tại thôn Đìa

Theo ông Nguyễn Đình Phượng - chuyên viên tư vấn công ty TNHH NYP: Sàn giao dịch sẽ là không gian mua bán mở, giúp người dân có thể chủ động bày bán mặt hàng của gia đình mình, cũng như tìm kiếm những mặt hàng theo nhu cầu với nhiều lựa chọn. Để người dân chủ động tham gia và sử dụng hiệu quả chợ online thì điều đầu tiên cần làm là phải giúp họ hiểu “tôi được lợi ích gì và tôi cần làm gì để đạt được lợi ích”. Người dân mà không thấy được tác dụng của chuyển đổi số với cuộc sống của mình, cũng như không biết làm thế nào để chuyển đổi số chính cuộc sống của mình thì việc xây dựng xã hội số, nền kinh tế số… không thể thành công và không đạt được ý nghĩa.”

Để hoạt động “bình dân hóa” chuyển đổi số đạt hiệu quả tốt nhất, giảng viên đã không quản ngại đường sá xa xôi, ngày đêm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” nhằm truyền đạt nội dung ngắn gọn, dễ hiểu với cách thức gần gũi, dí dỏm. Cách làm này đã bước đầu mang lại hiệu quả, thu hút được sự quan tâm của người dân. Được biết, sau hơn 2 tuần ra mắt, hiện đã có khoảng 120 gian hàng đăng kí trên sàn thương mại điện tử xã.

Cô Phạm Thị Nhường - thôn Đìa, xã Phúc Hòa hồ hởi chia sẻ: “Thay vì mù mờ như trước đây, giờ tôi đã hiểu được lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Tôi cảm thấy rất hào hứng, nhất định sẽ tham gia sàn thương mại của xã, Gia đình tôi hiện có gần 200 cây vải và một số cây ăn quả khác với doanh thu ước đạt khoảng 100 triệu đồng mỗi năm, việc tham gia sàn giao dịch chắc chắn sẽ là cơ hội rất tốt để gia đình quảng bá hoa quả, cũng như cập nhật thông tin thị trường”.

Ảnh: Hướng dẫn người dân cài đặt tiện ích chuyển đổi số

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa cho biết: Việc đưa vào sử dụng sàn thương mại điện tử là bước tiến, dấu mốc quan trọng trong việc áp dụng công nghệ số vào lĩnh vực kinh doanh thương mại trên địa bàn xã. Tuy nhiên, để người dân tham gia đông đảo thì rất cần tạo được sự an tâm và tin tưởng. Vì thế, tới đây, UBND xã sẽ thành lập Ban Quản lý sàn; các Tổ, Đội của thôn sẵn sàng hỗ trợ người dân đăng kí và sử dụng với mục tiêu đến hết năm 2022 sẽ đạt được 500 gian hàng. Sàn giao dịch không chỉ giúp tăng kết nối và thu nhập cho người dân, mà còn giúp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, sản vật của địa phương được rộng khắp.

Thiết nghĩ, việc “bình dân hóa” chuyển đổi số là rất cần thiết, tuy nhiên không chỉ do cơ quan nhà nước làm, mà phải phát huy được nguồn lực của mọi tầng lớp nhân dân. Ban đầu chưa quen, chắc chắn sẽ bỡ ngỡ nhưng khi hiểu được những hiệu quả mà chuyển đổi số mang lại thì người dân sẽ dần bắt nhịp, chủ động và chính họ trở thành những nhịp cầu kết nối, xây dựng lên một môi trường giao thương hoàn toàn mới phù hợp với xu thế./.

Lương Hoài

 

 

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 11,839
Tổng số trong ngày: 8,739
Tổng số trong tuần: 11,700
Tổng số trong tháng: 109,955
Tổng số trong năm: 790,232
Tổng số truy cập: 12,731,073