Tiêu chuẩn cơ sở- Tiền đề của tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Theo Điều 23 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá quy định: 1. Người sản xuất, người nhập khẩu tự công bố các đặc tính cơ bản, thông tin cảnh báo, số hiệu tiêu chuẩn trên hàng hoá hoặc một trong các phương tiện gồm: bao bì hàng hoá, nhãn hàng hoá, tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hoá; 2. Nội dung của Tiêu chuẩn công bố áp dụng không được trái với yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Vì vậy, việc áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, khu vực, nước ngoài hoặc tiêu chuẩn cơ sở là do doanh nghiệp tự lựa chọn và quyết định trước khi đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường.

Hiện nay, Hệ thống tiêu chuẩn của nước ta chỉ có 2 cấp là tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và tiêu chuẩn cơ sở (TCCS). Một tổ chức sản xuất kinh doanh tối thiểu phải có tiêu chuẩn cơ sở trong khi chưa áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài cho sản phẩm, dịch vụ của mình. Thì tiêu chuẩn cơ sở là căn cứ pháp lý để thực hiện sản xuất, kinh doanh.

1. Cơ sở pháp lý:

- Thông tư 21/2007/TT-BKHCN ngày 28 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc Hướng dẫn xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn.

- Thông tư số 29/2011/TT-BKHCN ngày  15/11/2011 của Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 21/2007/TT-BKHCN.

2.  Các khái niệm:

2.1. Tiêu chuẩn cơ sở (ký hiệu TCCS) là tiêu chuẩn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường do người đứng đầu Cơ sở xây dựng và công bố để áp dụng trong các hoạt động của cơ sở.

2.2. Công bố tiêu chuẩn cơ sở là việc cơ sở sản xuất, kinh doanh thông báo về tiêu chuẩn áp dụng hoặc các đặc tính cơ bản của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường.

3. Các bước thực hiện:

Tuỳ theo quy mô, loại hình sản xuất kinh doanh của cơ sở, trình tự, thủ tục xây dựng và công bố TCCS có thể bao gồm những bước như sau:

Bước 1: Lập kế hoạch xây dựng TCCS ;

Bước 2: Biên soạn dự thảo TCCS;

Bước 3: Tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo TCCS;

Bước 4: Tổ chức hội nghị chuyên đề về dự thảo TCCS;

Bước 5: Xử lý ý kiến và hoàn chỉnh dự thảo TCCS;

Bước 6: Lập hồ sơ dự thảo TCCS;

Bước 7: Thẩm tra dự thảo TCCS;

Bước 8: Công bố TCCS;

Bước 9: In ấn TCCS.

Người đứng đầu cơ sở xem xét và quyết định bằng văn bản về việc công bố TCCS . Hồ sơ dự thảo TCCS được lưu trữ tại cơ sở.

Ký hiệu TCCS được thể hiện như sau:

- Số hiệu và năm ban hành TCCS được phân cách bằng dấu hai chấm (:) và được đặt sau ký hiệu TCCSv;

- Chữ viết tắt tên cơ sở công bố (ban hành) tiêu chuẩn cơ sở được đặt sau năm ban hành tiêu chuẩn cơ sở và được phân cách bằng dấu gạch chéo.

Ví dụ: TCCS 27:2021/XXX là ký hiệu của tiêu chuẩn cơ sở có số hiệu là 27, do công ty có tên giao dịch viết tắt là XXX xây dựng và công bố năm 2021.

Để thực hiện công bố chất lượng một sản phẩm theo TCCS, các doanh nghiệp cần lưu ý:

Một là, xác định sản phẩm có thuộc nhóm công bố theo TCCS hay không? Đây là bước quan trọng nhất. Việc xác định đúng nhóm sản phẩm sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng hồ sơ công bố đúng theo quy định. Tuy nhiên đây cũng là bước khó nhất, vì thực tế có rất nhiều sản phẩm mới ra và hoàn toàn không dễ dàng xác định sản phẩm đó thuộc nhóm nào, khi mà cũng chưa có văn bản, quy định hay thông tư nào hướng dẫn hoặc phân nhóm cho sản phẩm mới. Để xác định đúng nhóm sản phẩm thường căn cứ vào: thành phần sản phẩm, công dụng, mục đích của sản phẩm, các văn bản luật hướng dẫn, kinh nghiệm của người xây dựng hồ sơ công bố…

Đối với các sản phẩm mới hoặc các sản phẩm không nằm trong quy định quản lý của cơ quan nào, thông thường sẽ được công bố theo TCCS.

Hai là, xây dựng chỉ tiêu kiểm nghiệm. Việc xác định các chỉ tiêu kiểm nghiệm phụ thuộc vào việc tổ chức/doanh nghiệp chọn nhóm sản phẩm từ bước 1, sau đó dựa và các TCVN/QCVN cho các nhóm sản phẩm để lên chỉ tiêu kiểm nghiệm. Đối với các sản phẩm chưa có tiêu chuẩn Việt Nam hoặc quy chuẩn Việt Nam thì phần lớn việc lựa chọn chỉ tiêu kiểm nghiệm phụ thuộc vào kinh nghiệm của người xây dựng hồ sơ công bố và mong muốn của người đứng đầu tổ chức (chủ doanh nghiệp).

Việc kiểm nghiệm thiếu chỉ tiêu cần thiết có thể gây ra các rắc rối sau này với các cơ quan quản lý. Ngược lại, nếu kiểm nghiệm thừa chỉ tiêu không cần thiết sẽ gây tốn kém, lãng phí cho doanh nghiệp.

Các tiêu chuẩn cơ sở thường chiếm tỷ trọng lớn trong cấu trúc các cấp tiêu chuẩn, điều này dễ hiểu vì mỗi đơn vị cần rất nhiều những vấn đề mà nhiều người, nhiều bộ phận trong và ngoài công ty/tổ chức đó cùng quan tâm, cùng phải sử dụng nhiều lần mang tính lặp đi lặp lại, tài liệu đó được họ thừa nhận là giải pháp tốt, hợp lý, phải thống nhất áp dụng.

Tiêu chuẩn cơ sở là cấp tiêu chuẩn rất quan trọng, nó là tiền đề cho tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế. Cụ thể, Tiêu chuẩn cơ sở là nguồn dẫn xuất tham khảo đa dạng và tiềm tàng về các cơ sở dữ liệu để xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế và trong nhiều trường hợp, tiêu chuẩn cơ sở là sự cụ thể hóa các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, giúp chúng ta kiểm chứng lại tính hiệu quả, thực tiễn của tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế.

Các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nếu có nhu cầu tư vấn, hướng dẫn xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở đề nghị liên hệ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang (qua Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) địa chỉ: Tầng 2, Trụ sở Liên cơ quan Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, đường Lý Tự Trọng, Phường Xương Giang, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang Điện thoại: 0204.3854331./.

TNT-PGĐ Sở KHCN

 

 

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 9,142
Tổng số trong ngày: 1,532
Tổng số trong tuần: 14,068
Tổng số trong tháng: 82,302
Tổng số trong năm: 598,504
Tổng số truy cập: 12,539,346