Nhân rộng các đề tài dự án khoa học và công nghệ

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Trong công cuộc đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế ngày nay, khoa học và công nghệ tỉnh nhà đã có những bước tiến quan trọng về mọi mặt, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Được sự quan tâm của Bộ KH&CN, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Trong giai đoạn 2010 - 2018, trên địa bàn tỉnh đã triển khai 150 đề tài, dự án KH&CN với tổng nguồn vốn hàng trăm tỷ đồng. Trong đó: 30 đề tài, dự án KH&CN cấp quốc gia; 120 đề tài dự án KH&CN cấp tỉnh; 103 đề tài, dự án KH&CN lĩnh vực nông nghiệp, khoa học kỹ thuật... các đề tài, dự án, tập trung nghiên cứu ứng dụng ở hầu hết các lĩnh vực sản xuất và đời sống, huy động được sự tham gia nghiên cứu của nhiều ngành, nhiều tổ chức, cá nhân, trong đó có sự tăng cường liên kết với các trường đại học, các viện và cơ quan nghiên cứu ở Trung ương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các doanh nghiệp để chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào địa bàn tỉnh. Nhiều đề tài, dự án có hiệu quả được ứng dụng, nhân rộng đã và đang ứng dụng có hiệu quả, đóng góp tích cực cho công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Ảnh: Mô hình trồng nghệ đang được nhân rộng ở các huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

Điển hình là một số đề tài, dự án như: Ứng dụng một số quy trình công nghệ trước và sau thu hoạch để sản xuất và bảo quản quả vải chất lượng cao, rải vụ thu hoạch đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu tại huyện Lục Ngạn; Xây dựng mô hình sản xuất tiên tiến theo hướng VietGAP cho cây bưởi diễn quy mô nông hộ tại huyện Hiệp Hòa; Nghiên cứu tuyển chọn cây đầu dòng và một số biện pháp kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất cây vũ sữa tại huyện Tân Yên, qua đó đã nhân ra diện rộng bằng các giống mới và biện pháp canh tác theo VietGAP, GlobalGAP, góp phần tăng giá trị từ 20-30% so với giống cũ và biện pháp canh tác truyền thống. Riêng đối với cây Vú sữa được du nhập vào trồng tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, cách đây khoảng 30 năm, cây vú sữa hợp đất, hợp nước ngày càng phát triển, cho chất lượng quả thơm ngon, giúp nhiều gia đình ở Tân Yên thoát nghèo, thu nhập cao. Để thuận tiện cho việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tháng 8/2016, Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vú sữa Hợp Đức được thành lập. Hợp tác xã có khoảng 40 thành viên tham gia, là địa chỉ tin cậy cho bà con trồng vú sữa trong xã giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để từng bước xây dựng vú sữa Hợp Đức thành thương hiệu lâu dài, có đầu ra ổn định. Bên cạnh đó, huyện Tân Yên phối hợp với Viện Rau quả Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện dự án tuyển chọn giống cây đầu dòng và xây dựng vùng trồng vú sữa chuyên canh trồng 2 ha theo kỹ thuật mới được tuyển chọn từ cây đầu dòng tại thôn Cửa Sông; tổ chức tập huấn kỹ thuật cho 200 lượt người ở xã Hợp Đức và một số xã khác. Theo tính toán, giống vú sữa cũ trồng sau 8 năm mới cho thu hoạch nhưng với việc tuyển chọn cây đầu dòng và trồng theo kỹ thuật mới chỉ mất 3 năm nhưng năng suất vú sữa sẽ tăng từ 15 - 20% so với đại trà, mẫu mã và chất lượng quả được cải thiện.

Năm 2017, vú sữa Hợp Đức được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Vú sữa Tân Yên”. Với năng suất bình quân đạt từ 10-12 tấn/ha, giá bán từ 30-40 nghìn đồng/kg, tương đương khoảng trên 300 triệu đồng/ha tăng trên 30% giá trị trước khi được cấp văn bằng bảo hộ. Thấy được hiệu quả kinh tế của cây vú sữa, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Yên đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng cơ chế tiếp tục hỗ trợ cây giống, hướng dẫn bà con kỹ thuật sản xuất; tham mưu xây dựng đề án nhân rộng diện tích trồng vú sữa từ những giống cây đầu dòng đã được tuyển chọn. Toàn bộ diện tích sản xuất vú sữa theo tiêu chuẩn VietGap của Hợp tác xã Sản xuất, tiêu thụ vú sữa Hợp Đức đã được gắn tem truy xuất nguồn gốc khi đưa ra thị trường tiêu thụ. 

Huyện Tân Yên có nhiều sản phẩm nông sản chủ lực thông qua triển khai các đề tài, dự án đã xây dựng thành công nhãn hiệu sản phẩm như: Vải sớm Phúc Hòa, Vũ sữa Tân Yên. Đặc biệt đối với Tân Yên từ xa sưa đã được biết đến dược liệu quý hiếm Sâm Nam núi Dành. Tuy nhiên, do là một loại giống sâm khó trồng, lại là giống quý hiếm nên bị nhiều người săn tìm có nguy cơ bị tuyệt chủng. Trước thực trạng đó, các nhà khoa học Viện Di truyền Nông nghiệp Bộ NN&PTNT đã đề xuất và được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đề tài “Nghiên cứu, đánh giá, bảo tồn nguồn gen cây sâm Nam núi Dành phân bố trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”. Từ kết quả nghiên cứu, các chuyên gia xác định, sâm Nam núi Dành có 3 phương pháp bảo tồn gen đó là uốn vít cành bánh tẻ vào các túi bầu giâm hom và phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật. Đặc biệt các nhà khoa học đã lấy mẫu phân tích sâm hơn 5 tuổi có hàm chất saponin tương đương với sâm Hàn Quốc và chỉ đứng sau sâm Ngọc Linh - loại sâm quý, hiếm nhất thế giới.

Thành công một số đề tài, dự án KH&CN đã được phát triển thành dự án cấp quốc gia. Điển hình là dự án : “Xây dựng mô hình trồng nghệ theo hướng GACP và phát triển vùng nguyên liệu cho sản xuất để chiết xuất curcumin từ củ nghệ làm thực phẩm chức năng và một số sản phẩm có giá trị cao từ cây nghệ tại Bắc Giang". Dự án đã đưa vào trồng với diện tích 8 ha theo hướng GACP - WHO, giống nghệ (vàng con ong) trồng tại Bắc Giang cho hàm lượng curcumin cao hơn so với giống nghệ Quảng Ninh. Đến nay diện tích trồng các giống nghệ này đã được nhân rộng các huyện Lục Nam, Lạng Giang, Yên Dũng. Sau 3 năm triển khai dự án đã cho thấy những triển vọng, cây nghệ trồng tại địa phương; với năng suất đạt trung bình từ 20 - 28 tấn/ha, doanh thu đạt bình quân từ 160 đến đến 320 triệu/ha/năm.

Thực hiện Nghị quyết số 130-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016-2020. Huyện Yên Dũng đã tập trung chỉ đạo Xây dựng các mô hình sản xuất Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giá trị sản xuất và hiệu quả sử dụng đất; phấn đấu xây dựng 9 mô hình sản xuất rau an toàn tập trung gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với diện tích từ 80-90 ha. Theo đó, Năm 2016, HTX Rau sạch Yên Dũng được thành lập, hình thành vùng sản xuất với diện tích 30 ha tại cánh đồng của ba thôn: Huyện, Chùa, Đông Thắng, xã Tiến Dũng. Đồng thời hợp tác xã đã triển khai thành công đề tài KHCN sản xuất Rau an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm “Rau sạch Yên Dũng”. Đây là tiền đề quan trọng để HTX mở rộng vùng chuyên canh sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Trong lĩnh vực nông nghiệp thì các đề tài, dự án ở các lĩnh vực văn hóa, xã hội, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng được tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm. Đáng chú ý là đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu giải pháp công nghệ, hiện đại hóa trong công tác quản lý, vận hành hệ thống đèn chiếu sáng công cộng trên địa bàn thành phố Bắc Giang” đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ dệt. Theo đó, đề tài tiến hành lắp đặt Trung tâm điểu khiển tại Công ty Cổ phần Quản lý công trình Đô thị tỉnh Bắc Giang, lắp đặt thử nghiệm 2 tủ điều khiển đèn chiếu sáng công suất 30 kVA; 01 thiết bị điều khiển đèn chiếu sáng trong tủ điều khiển. Qua đánh giá thực tiễn cho thấy, hệ thống thiết bị hoạt động ổn định, vận hành, lắp đặt dễ dàng, có chế độ điều khiển tự động hoặc điều khiển từ trung tâm, có chức năng ổn áp tăng tuổi thọ đèn, tiết kiệm được 30 % chi phí điện năng so với hệ hệ thống chiếu sáng công cộng thông thường.

Thành phố Bắc Giang có 341 tủ chiếu sáng công cộng, với chiều dài chiếu sáng là 345 km, công suất gần 1.500 kW thì chi phí đầu tư hệ thống điều khiển, giám sát hệ thống chiếu sáng công cộng của toàn thành phố khoảng 19 tỷ đồng, trong 01 năm sẽ tiết kiệm được trên 1,7 triệu kWh điện, chi phí vận hành với số tiền tương đương với số tiền là trên 6, 4 tỷ đồng và sẽ thu hồi vốn trong thời gian 3 năm. Với tuổi thọ dự kiến của sản phẩm là 06 năm, nếu đầu tư toàn bộ hệ thống điều khiển chiếu sáng công cộng của thành phố Bắc Giang thì số tiền lãi gần 20 tỷ đồng. Trong khi đó nếu áp dụng công nghệ của nước ngoài thì chi phí đầu tư hệ thống điều khiển chiếu sáng công cộng của thành phố Bắc Giang có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Thành công của các đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh, cấp nhà nước ở Bắc Giang đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phát huy các thế mạnh của địa phương, tạo ra sản phẩm hàng hoá có hàm lượng KH&CN cao; Các kết quả nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn đã cung cấp các luận cứ khoa học để đề ra các chủ trương, chính sách sát với điều kiện của các địa phương nhất là các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách xóa đói, giảm nghèo; đưa Bắc Giang phát triển nhanh, bền vững trong công cuộc đổi mới và hội nhập./.

Chu Ly

 

Số lượng truy cập Số lượng truy cập

Đang truy cập: 7,364
Tổng số trong ngày: 2,200
Tổng số trong tuần: 20,620
Tổng số trong tháng: 67,540
Tổng số trong năm: 583,742
Tổng số truy cập: 12,524,583